Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam: Thêm sức cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ!

Cập nhật: 15-10-2018 | 08:51:16

Như kỳ 1 đã nêu, Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 vào cuối năm 2017 đã thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng, mang tính dấu ấn của năm APEC 2017. Một trong số đó là Khung Thuận lợi hóa Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trong APEC. Khung này đã được đánh giá là một nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017. Qua đó, các nhà lãnh đạo APEC đã nhận thấy vai trò quan trọng của TMĐT trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (DNV, N&SN), thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng cũng đã tập trung đầu tư cho chương trình TMĐT. Từ đó, chỉ số TMĐT giao dịch doanh nghiệp (DN) với DN (B2B) của Bình Dương đã đứng thứ 4 trong cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Chương trình TMĐT của tỉnh đặc biệt quan tâm đối tượng DNV, N&SN. Mới nhất là việc Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) vừa xây dựng Đề án Ứng dụng phần mềm quản lý bán lẻ thông minh và Xây dựng email thương hiệu cho các nhà bán lẻ trên địa bàn.

Chương trình TMĐT luôn đồng hành cùng DN

Thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 18-2-2016, của Tỉnh ủy Bình Dương về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Đề án thành phố thông minh của UBND tỉnh (Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 21-11-2016), Kế hoạch số 304/KH-UBND (ngày 25-1-2017) của UBND tỉnh Bình Dương về Phát triển TMĐT giai đoạn 2017-2020, Sở Công thương Bình Dương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo, thực hiện chương trình TMĐT tại tỉnh Bình Dương. Ngay tại đơn vị, Sở Công thương đã xây dựng, thực hiện dự án Ứng dụng CNTT, đầu tư thực hiện tin học hóa ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính. Hiện Sở Công thương Bình Dương đã và đang tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cấp Cổng thông tin điện tử để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhu cầu truy cập, tra cứu thông tin của người dân và DN.


Gian hàng của Bệnh viện Quốc tế Becamex tại Hội chợ Công nghệ cao WTA lần thứ 15 trong khuôn khổ WTA Bình Dương 2018

Chính nhờ có hạ tầng cơ sở CNTT được đầu tư khá bài bản này, Sở Công thương Bình Dương đã tạo nhiều thuận lợi trong công tác đồng hành hỗ trợ các DN ứng dụng TMĐT. Từ đó, các DN xuất khẩu có uy tín ở Bình Dương đã tham gia Cổng TMĐT quốc gia, qua đây, các DN ở Bình Dương được cung cấp các thông tin xác thực và đáng tin cậy. Ngoài ra, Sở Công thương còn hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh nhanh chóng làm quen và tham gia vào phương thức kinh doanh TMĐT, DN với DN.

Đồng thời, Sở Công thương đã hỗ trợ nâng cao thứ hạng cho các DNV, N&SN trên các công cụ tìm kiếm website như google, yahoo, nâng cao chất lượng về hình ảnh DN và quảng bá sản phẩm trên website TMĐT. Chương trình này được thực hiện có sự chọn lọc DN theo từng ngành nghề kinh doanh, giúp DN tiếp cận dễ dàng với các đối tác tiềm năng trên toàn cầu.

Từ khi đẩy mạnh chương trình TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các DN đã chú trọng vào việc marketing qua mạng, tham gia các sàn giao dịch trong nước và quốc tế, đăng quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, danh bạ web, gửi email khách hàng. Việc gửi mail trở nên phổ biến, được nhiều DN lựa chọn do có giá thành rẻ, dễ thực hiện. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của sở còn mở chuyên mục TMĐT, giúp DN tìm hiểu sâu hơn về tình hình ứng dụng TMĐT của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tất cả mọi hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình CNTT, của Sở Công thương đồng hành cùng DN, hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT, trở thành hoạt động phổ biến của DN sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Bên cạnh đó, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh.

Thêm sức cho DNV, N&SN

Nổi bật nhất trong chuỗi hoạt động hỗ trợ DNV, N&SN ứng dụng TMĐT là Chương trình khảo sát ứng dụng TMĐT trên toàn địa bàn vào năm 2016. Qua đó, Ban chỉ đạo chương trình mới xác định rõ DN Bình Dương đang ở trình độ nào, nắm bắt nhu cầu DN để có giải pháp sát sườn phát triển TMĐT. Được giao nhiệm vụ điều tra, Trung tâm XTTM đã nhận và sàng lọc danh sách hơn 1.562 DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ các đơn vị phòng kinh tế huyện, thị, thành phố, hiệp hội ngành nghề… cộng tác khảo sát gửi về. Qua phản hồi của 1.250 DN, cho thấy TMĐT vẫn còn là một điều khá mới mẻ, dẫu rằng đa số DN đã nắm bắt xu thế và phát triển TMĐT cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều DN đề xuất về công tác QLNN. Ngành chức năng cần nắm bắt nhu cầu DN, hỗ trợ DN về chính sách, về phát triển thị trường… Trong công tác ứng dụng TMĐT, ở một số DN còn đang ở mức độ thăm dò và hỗ trợ cho hình thức kinh doanh truyền thống hoặc kết hợp giữa hai hình thức này. Một số DN còn có sự so sánh thực dụng và ngắn hạn về tính hiệu quả giữa 2 phương thức này, còn nghi ngại chưa có niềm tin, do thấy còn nhiều tiêu cực như việc gian lận, lừa đảo trong loại hình này…

Để đáp ứng nhu cầu DN, để DNV, N&SN nhận thấy lợi ích của mình trong chương trình TMĐT của tỉnh và cũng là để chương trình TMĐT nâng cao tính ứng dụng thực tiễn và hiệu quả thiết thực, Sở Công thương và Trung tâm XTTM đang triển khai thực hiện Đề án: Ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và thiết lập email thương hiệu cho họ. Đề án này sẽ trang bị miễn phí phần mềm quản lý bán hàng cho 15 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn và đào tạo kiến thức nền tảng về bán lẻ, sử dụng phần mềm trong quản lý bán hàng trực tiếp cho các chủ cửa hàng.

Nhằm tăng cường hơn nữa chương trình TMĐT “gần dân, sát DN”, với sự ra đời của Luật An toàn thông tin mạng, mới đây là Luật An ninh mạng, chúng ta đã có đủ khung pháp lý để phát triển TMĐT. Đặc biệt, với Khung Thuận lợi hóa TMĐT xuyên biên giới trong APEC, lãnh đạo Bộ Công thương đã đặc biệt quan tâm đến đối tượng DNV, N&SN. Cùng với xu thế đổi mới công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 và lộ trình triển khai Đề án thành phố Bình Dương thông minh sẽ gắn liền với hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, chương trình TMĐT Bình Dương sẽ phát triển một cách mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Đáp ứng yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn mới, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đã đề ra giải pháp: Đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và phổ cập kiến thức về TMĐT, không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và môi trường pháp lý cho TMĐT, có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho các giao dịch TMĐT; phát triển các dịch vụ công và tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành các văn bản triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số và triển khai dịch vụ chứng thực cho website TMĐT. Tăng cường các văn bản mang tính pháp lý liên quan đến TMĐT để hỗ trợ DN trong quá trình giao dịch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia trực tuyến. Phổ biến, tuyên truyền sâu, rộng hơn về chương trình TMĐT trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tham gia. Khuyến khích DN đầu tư vào TMĐT, ứng dụng các công nghệ để nâng cao khả năng kết nối, giao dịch và xuất khẩu hàng hóa phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về kỹ năng sử dụng CNTT. Tăng cường quản lý các trung tâm, đầu mối của TMĐT và phối kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện tốt hơn công tác quản lý ở lĩnh vực này.

Kế hoạch mục tiêu trong lĩnh vực hoạt động TMĐT của Bình Dương trong giai đoạn 2017-2020 bao gồm các chỉ tiêu: 100% DN lớn, 65% DNV&N có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN; 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động; 50% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất thương mại dịch vụ; 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông; 40% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến sản xuất thương mại dịch vụ; 90% các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số; Áp dụng phổ biến đến các DN thực hiện giao dịch chứng thực để bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch TMĐT.

TTXTTM

(Tiếp theo số báo ngày 13-10-2018)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên