Theo Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu chung là sản xuất và sử dụng VLXDKN để thay thế gạch đất sét nung, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp... Thực hiện chương trình này, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất và đưa VLXDKN vào xây dựng các công trình công cộng và dân sinh.
Vật liệu mới cho ngành xây dựng
So với gạch đất sét nung, gạch không nung (GKN) có các ưu điểm vượt trội như ít phát thải khí nhà kính; sử dụng ít nhiên liệu; sử dụng phế thải làm nguyên liệu; nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt; đẩy nhanh tiến độ thi công… Do vậy, sản xuất và sử dụng GKN đang là một xu hướng tất yếu của ngành xây dựng.
Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết từ năm 2011, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, sở đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương tổ chức hội thảo giới thiệu và xúc tiến chuyển giao công nghệ sản xuất VLXDKN và vật liệu bê tông siêu nhẹ. Mục tiêu là tạo cơ hội và những điều kiện có thể để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận công nghệ sản xuất GKN, công nghệ gạch bê tông siêu nhẹ nhằm từng bước chuyển đổi công nghệ nung truyền thống sang công nghệ mới giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Sản xuất gạch terrazzo tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Ảnh: HOÀNG PHẠM
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhà máy và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm như gạch con sâu, gạch tự chèn... Trong đó, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) đã tận dụng các chất thải trong quá trình xử lý rác như xỉ tro, bùn thải để sản xuất bê tông từ bùn thải, gạch con sâu, gạch tự chèn, gạch terrazzo... Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase, cho biết tại nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, nhiều loại rác thải đặc biệt khó xử lý như bê tông, sắt, đá và các thành phần vô cơ khác sẽ được nhà máy tiếp tục phân loại, tổng hợp để sản xuất ra các loại bê tông tươi, bê tông đúc sẵn… Sau đó, được sản xuất thành gạch terrazzo, gạch con sâu... và các loại vật liệu khác phục vụ cho lát sân vườn, vỉa hè hay những nơi công cộng để góp phần tạo nên cảnh quan đô thị sạch đẹp và bảo vệ môi trường.
Với việc Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển VLXDKN thay thế gạch đất sét nung, đến năm 2020 VLKN sẽ chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Theo đánh giá của các chuyên gia, GKN sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình xây dựng.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Theo ông Ngô Văn Dinh, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc lựa chọn công nghệ để sản xuất các VLXDKN, trong đó chủ yếu là GKN dùng trong xây dựng. Các loại GKN trên thực tế vẫn sử dụng một phần vật liệu đã qua nung để làm vật liệu liên kết. Riêng gạch bê tông khí chưng áp (AAC) vẫn dùng than (hoặc điện) để đốt lò hơi đóng rắn sản phẩm nhưng mức độ tiêu hao năng lượng thấp hơn gạch đất sét nung và phải dùng xi măng để liên kết, cho nên năng lượng sử dụng cho GKN cũng không thua gạch đất sét nung. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ để cho ra sản phẩm vừa nhẹ vừa bảo đảm các tiêu chuẩn là rất khó khăn cho doanh nghiệp. Lý do là doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất rất tốn kém, trong khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có nhiều chính sách khuyến khích từ phía Chính phủ dành cho các nhà đầu tư sản xuất và công trình sử dụng VLXDKN, hoặc có thì chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả. Các chính sách hiện nay chỉ mới dừng ở việc bắt buộc sử dụng đối với những công trình từ 9 tầng trở lên. Trong khi đó, khung chế tài cho việc thực thi chính sách khuyến khích VLXDKN chưa đủ mạnh để xử lý những công trình vi phạm. Ngoài ra, do công tác tuyên truyền chưa được mạnh nên người tiêu dùng còn mơ hồ về VLXDKN. “Do thiếu thông tin về vật liệu mới khiến cho chủ nhà e ngại khi chọn lựa. Đại lý đã nhập về một số sản phẩm GKN nhưng có rất ít khách hàng đến mua sản phẩm này”, chủ một đại lý VLXD ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, cho biết.
Theo ý kiến của một số kiến trúc sư, các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc và đơn giá xây dựng của các loại VLXDKN hiện chưa được ngành chức năng ban hành đồng bộ, đầy đủ. Do đó, kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế xây dựng chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng VLXDKN cho công trình. Bên cạnh đó, việc thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm mới này cũng là một rào cản không nhỏ đối với các đơn vị tư vấn. Một nguyên nhân nữa là do giá thành VLKN đắt hơn (khoảng 50 - 60% so với vật liệu nung) nên người dân và các chủ đầu tư chưa mặn mà với loại vật liệu này.
KHÁNH ĐĂNG