Kiềm chế đà tăng CPI

Cập nhật: 05-08-2016 | 08:31:25

Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 của vùng Đông Nam bộ tăng 0,19% so với tháng trước. Nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất là giao thông, tăng 1,34%; nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35% so với tháng trước. Các nhóm hàng có chỉ số giá giảm là dịch vụ ăn uống, đồ uống, may mặc, giày dép, bưu chính viễn thông… với mức giảm từ 0,01 - 0,3%. Như vậy, mức tăng - giảm giá các mặt hàng tại khu vực Đông Nam bộ đã phản ánh mức tăng - giảm giá chung của cả nước (CPI tháng 7 của cả nước tăng thấp hơn so với mức tăng của tháng trước). Nguyên nhân mức tăng CPI tháng 7 thấp hơn so với tháng 6 được các chuyên gia đánh giá là do nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm ổn định. Trong khi đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do nhu cầu xây dựng giảm, cùng với giá thép trên thị trường thế giới giảm. Đối với mặt hàng gas, trong tháng 7 giá giảm 3,02%; giá xăng giảm 540 đồng/lít...


Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp góp phần cùng cả nước kiềm chế đà tăng CPI.
Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh:
TRÚC HUỲNH

Tuy vậy, mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa ra kịch bản dự báo tác động đến CPI trong các tháng cuối năm cho thấy, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác; từ đó tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu. Trong khi đó, trong nước điều kiện thời tiết, môi trường có những diễn biến bất lợi có thể ảnh hưởng tới giá lương thực, thực phẩm (là hai nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng tính CPI)… Bên cạnh đó, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục), chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới cũng là những nhân tố có thể ảnh hưởng làm tăng CPI trong thời gian tới.

Để góp phần kiểm soát CPI của cả nước trong năm ở mức không quá 5%, đại diện Sở Công thương cho biết, ngành sẽ tiếp tục theo sát diễn biến cung - cầu trên thị trường tỉnh, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón… để có giải pháp kịp thời trong khả năng cho phép. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về vùng nông thôn nhằm ổn định mặt bằng giá và giảm bớt sức ép tăng giá vào những tháng cuối năm.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=410
Quay lên trên