Người mắc viêm gan siêu vi B:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ đề phòng biến chứng

Cập nhật: 05-08-2014 | 08:56:56

Viêm gan siêu vi B hay còn gọi là viêm gan B (VGB) là một trong 8 bệnh viêm gan do vi rút gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là với trẻ sơ sinh do tỷ lệ chuyển sang mãn tính ở lứa tuổi này thường cao hơn người trưởng thành. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Trần Văn Thu, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh...

 

Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị bệnh VGB kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn. Trong ảnh: Khám bệnh tại khoa Nội 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ảnh: H.THUẬN


- Xin BS cho biết, người mắc bệnh VGB có những triệu chứng như thế nào?
- Bệnh VGB thường có những biểu hiện nhiễm trùng cấp và nhiễm trùng mãn. Đối với nhiễm trùng cấp, người bệnh thường có những biểu hiện như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đôi khi đau tức vùng bụng bên phải, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, chán ăn... Với nhiễm trùng mãn, 90% trường hợp nhiễm VGB ở người trưởng thành sẽ phục hồi hoàn toàn và 10% sẽ trở thành mãn tính. Đối với trẻ em nếu nhiễm VGB từ khi mới sinh (do mẹ truyền sang con) thì có khoảng 90% số trẻ này sẽ mang bệnh mãn tính. Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, có thể không có những biểu hiện lâm sàng, nhưng dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, ung thư gan.
- Bệnh VGB lây truyền qua những đường nào? Người mắc bệnh VGB cần chú ý gì, thưa BS ?
- VGB là bệnh do vi rút viêm gan gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Những đối tượng có nguy cơ mắc VGB, gồm: tiêm chích xì ke (dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh), quan hệ tình dục không an toàn, người có nhu cầu truyền máu. Những người xăm mình, châm cứu, xỏ lỗ tai bằng vật dụng không được tẩy trùng tốt cũng có thể bị lây truyền VGB từ người nhiễm bệnh đã sử dụng những vật dụng này trước đây.
Người mắc bệnh VGB cần có chế độ sinh hoạt điều độ, cân đối và đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, phòng ngừa diễn tiến của bệnh và biến chứng không mong muốn có thể xảy ra. Điều cần lưu ý là, người mắc VGB cần hạn chế dùng thuốc gây độc cho gan như paracetamol, nếu sử dụng phải tuân theo chỉ dẫn của BS.
- Người ta thường nói, ăn gì bổ nấy. Vậy, người mắc VGB ăn gan có tốt cho gan không, thưa BS. Đâu là chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe của người mắc VGB?
- Ăn gan bổ gan là quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì trong gan có chứa nhiều cholesterol không có lợi cho sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân VGB trong giai đoạn ổn định có chế độ dinh dưỡng như người khỏe mạnh, nhưng cũng cần chú ý đa dạng các loại thức ăn và bảo đảm đủ chất dinh dưỡng.
Người mắc bệnh VGB nên tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu, như gạo, đường gluco, mật ong, các loại quả ngọt và tránh ăn những loại bánh kẹo có nhiều bơ sữa béo. Cần giảm các loại chất béo, kiêng ăn các món rán, bơ, mỡ động vật, thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, như trứng, nội tạng động vật. Chất đạm là chất vô cùng quan trọng đối với người mắc VGB và nên sử dụng 50% đạm do ngũ cốc và rau quả cung cấp, chỉ cần 50% đạm từ thực phẩm động vật, như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm... hoặc từ đạm thực vật, như đậu phụ, đậu xanh, đậu nành và mỗi ngày nên sử dụng 500ml sữa. Chất đạm từ cá, sữa bò rất tốt với người mắc VGB. Vì vậy, ăn nhiều chất đạm từ nguồn này sẽ giúp bảo vệ da của người bệnh. Những loại rau củ, hoa quả tươi là nguồn thực phẩm chứa nhiều khoáng chất. Trong quá trình chế biến, cần cân nhắc chế biến kết hợp các bữa ăn kho, luộc, hấp, tăng cường các loại rau xanh, như rau ngót, rau muống, cải, rau dền, cà rốt, cà chua, bí đỏ, giá đậu và các loại hoa quả chín, như cam, quýt, xoài, đu đủ chín...
Gan có chức năng xử lý và đào thải chất độc cho cơ thể, vì thế, một khi gan đã nhiễm bệnh, người bệnh cần cân nhắc cẩn thận mọi chế độ sinh hoạt để cơ thể có đủ khả năng chống chọi với vi rút VGB.
- Bệnh VGB có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Để tránh bị biến chứng nguy hiểm trên, BS có lời khuyên nào đối với mọi người, cũng như người đang mắc VGB?
- Với những người bình thường cũng như đang mắc bệnh, cần tránh xa những yếu tố nguy cơ. Nếu bạn đang có thai và đang nhiễm VGB trong người, cần báo cho BS theo dõi biết để con bạn được điều trị sớm sau khi chào đời. Nếu bạn là người mang mầm bệnh VGB phải hạn chế uống rượu, vì người nghiện rượu mắc VGB thường dẫn đến xơ gan nhiều hơn người khác.
Hiện nay, bệnh VGB đã có vắc xin phòng ngừa. Tiêm ngừa được xem là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Người trưởng thành cần đến cơ sở y tế xét nghiệm máu để xem mình có nhiễm vi rút VGB không. Nếu bạn đang nhiễm vi rút nhưng trong giai đoạn ổn định, BS sẽ tư vấn và chỉ định điều trị cho bạn. Khi nào, bạn được điều trị hết vi rút VGB thì bạn đã có thể tiêm vắc xin phòng bệnh để bảo vệ mình.
Đối với trẻ sơ sinh, thường nhiễm VBG là do người mẹ mắc bệnh truyền sang cho con. Vì thế, khi con bạn chào đời, tùy vào tình trạng sức khỏe của bé, BS sẽ tư vấn nên tiêm cho con bạn mũi vắc xin phòng VGB sơ sinh. Theo khuyến cáo của ngành y tế, tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau khi sinh là biện pháp tốt nhất để phòng lây truyền vi rút VGB từ mẹ sang con.
- Xin cảm ơn BS!

HỒNG THUẬN (thực hiện)


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=561
Quay lên trên