Kỳ 1: Kiến tạo tương lai bền vững
Kỳ 2: Đổi mới sáng tạo, hướng tới kinh tế - xã hội số
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nhằm đột phá phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đón kỷ nguyên 4.0, Bình Dương đang tập trung thúc đẩy Đề án thành phố thông minh (TPTM) trên nền tảng đổi mới sáng tạo, hướng tới KT-XH số.
Hoàn thành quy hoạch tổng thể
Trong giai đoạn mới, Bình Dương xác định rõ Đề án TPTM sẽ được tỉnh đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế. Một trong các mục tiêu đó là tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương đến năm 2050, hướng tới TPTM, xây dựng chiến lược cụ thể phát triển tỉnh đến năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Tận dụng mối quan hệ, hợp tác với các nước, tỉnh đã phát triển hạ tầng, đô thị, dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực. Bình Dương phải xây dựng TPTM, xây dựng hệ sinh thái mới, luôn luôn năng động, sáng tạo. Bình Dương cần vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì được tốc độ tăng trưởng, do đó công tác quy hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển KT-XH của địa phương. Tôi hy vọng quy hoạch kỳ này đáp ứng các yêu cầu của Bình Dương, là điểm sáng đóng góp vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cùng lãnh đạo các sở, ngành đến thăm Trung tâm Điều hành thông minh khu công nghiệp của Tổng Công ty Becamex IDC
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phát huy được vai trò, vị thế của Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước. Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển thịnh vượng, đô thị văn minh, giàu đẹp, thông minh. Quy hoạch phải bám sát thực tế, đồng bộ, thật sự có hiệu quả, khoa học, tạo nền tảng để Bình Dương có những bước đột phá phát triển ngoạn mục”.
Bên cạnh đó, Bình Dương thực hiện đề án tổng kết mô hình phát triển của tỉnh trong công cuộc đổi mới của đất nước, tầm nhìn định hướng đến năm 2050, do Hội đồng Lý luận Trung ương và Bình Dương triển khai. Hoàn thành chương trình phát triển đồng bộ hệ thống đô thị gắn với xây dựng TPTM, chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040. Cùng với đó hoàn thành kế hoạch tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình triển khai Đề án TPTM năm 2022 là đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0. Trong đó, tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 và kết nối IOC tại TP.Thủ Dầu Một. Đây cũng chính là dự án trọng điểm của IOC Bình Dương năm 2022. IOC Bình Dương là hạt nhân quan trọng trong chỉ huy, điều hành các hoạt động của tỉnh thông qua việc thu thập và xử lý dữ liệu.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Sự ra đời của IOC sẽ là bước đột phá tạo dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, nhằm hướng đến chính quyền số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Lấy phát triển chính quyền điện tử làm trung tâm để hướng tới chính quyền số, đồng thời góp phần quan trọng trong xây dựng TPTM”.
Bình Dương sẽ đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành, trước nhất là các ngành trọng điểm, với sự tham gia quyết liệt của toàn tỉnh. Góp phần phát triển kinh tế, xây dựng TPTM, năm 2022 Bình Dương đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp, đón xu thế 4.0. Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh các dự án hướng tới công nghiệp 4.0, trong đó tiêu biểu là tiếp tục vận hành hiệu quả hơn nữa trung tâm sản xuất thông minh của Becamex IDC, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất trong sản xuất, ứng dụng công nghệ, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ năng cao.
Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng
Trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt, đường bộ, ứng dụng mô hình TOD (đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng), nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh (BRT). Đồng thời triển khai, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối vùng, nhanh chóng đưa các giải pháp nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ, giảm áp lực kẹt xe, giảm thời gian và giá thành vận chuyển, kịp thời đón làn sóng đầu tư mới.
Năm 2022, Becamex IDC tiếp tục đồng hành cùng tỉnh triển khai nhiều chương trình đột phá giai đoạn tiếp theo như phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy; kiến nghị Chính phủ cho Bình Dương nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải, kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về phía TP.Dĩ An; phát triển đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển khu công nghiệp và khu đô thị thông minh. Đưa vào hoạt động IOC; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ sinh thái của Becamex IDC. Đẩy mạnh triển khai Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, trong đó chú trọng phát triển thương mại dịch vụ chất lượng cao thông qua hoạt động của Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. (Còn tiếp)
PHƯƠNG LÊ