Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh : “Người Bình Dương năng động - tài hoa, nghĩa tình - bao dung… ”

Cập nhật: 13-04-2022 | 07:55:11

“Trải theo chiều biến thiên của lịch sử, những con người cố cựu xứ miệt vườn Bình Dương đã thích ứng với chuyển biến của kinh tế - xã hội tạo nên sự hài hòa giữa cần cù, sáng tạo, trọng nghĩa, thực nghiệp, dám nghĩ dám làm với những yếu tố mới lạ, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển…”, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã khái quát phần nào về tính cách con người Bình Dương trong cuộc trao đổi mới đây cùng phóng viên Báo Bình Dương.

Từ khát vọng, lý tưởng

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, theo chiều dài lịch sử đã sớm định hình mẫu người Bình Dương cố cựu với các đặc tính riêng, đậm dấu ấn của tự nhiên và nhân văn của vùng đất và con người địa phương. Văn hóa của người Bình Dương cố cựu là văn hóa miệt vườn. Người miền Nam thường gọi dân Bình Dương là người miệt vườn để chỉ lớp cư dân sống ở các vùng đất vườn cây trái ven sông Sài Gòn ở Lái Thiêu và Thủ Dầu Một. Ở Bình Dương còn có miệt rẫy.

Lý giải sâu về sự năng động, có hoài bão, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, trọng nghĩa tình của người Bình Dương cố cựu, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng chính sự đa dạng nông sản cộng với nguồn hàng thủ công phong phú sẽ tất yếu phá vỡ kinh tế tự túc tự cấp để sớm đến với kinh tế hàng hóa. Xứ miệt vườn Bình Dương xưa đã sớm có kinh tế hàng hóa vì hội đủ các yếu tố cần có. Kinh tế hàng hóa miệt vườn đã bùng nổ thương mại khi người Hoa đến, tiêu biểu là sự ra đời và phát triển thịnh vượng của chợ Lái Thiêu, chợ Thủ Dầu Một. Đến lượt mình, thương mại quay lại tác động, kích thích, nâng đỡ nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, tạo ra nhiều nguồn hàng hóa phong phú. Điều này tiếp tục tác động trở lại đưa thương mại phát triển lên mức độ cao hơn. Chu trình đó cứ chuyển động qua các thời kỳ lịch sử. Hệ quả của nó là kinh tế xứ miệt vườn phát triển đạt đến những đỉnh cao. Kinh tế phát triển đã sản sinh theo nó một cơ tầng lịch sử - văn hóa phù hợp với trình độ và tính chất của kinh tế. Đó là cơ tầng lịch sử - văn hóa của văn minh miệt vườn.

“Trải qua nhiều thế hệ dân cư, lại tiếp nối qua nhiều thời kỳ phát triển trong sự đa dạng của nhiều thể chế chính trị, văn minh miệt vườn đã kết tinh nhiều thành tựu văn hóa và kinh tế của địa phương. Văn minh đó không còn mang tính nông nghiệp của nông thôn lạc hậu nhưng cũng không đặc sệt thành thị lạnh lùng, thực dụng. Nó bao gồm các giá trị có tính vật thể và phi vật thể. Nó vừa là phong tục, tập quán, lối sống, mức sống, điều kiện hay tiện nghi sinh hoạt, phương pháp canh tác, tập quán kinh doanh mà còn là quan hệ xã hội, quan hệ kinh doanh, có cả những giá trị tinh thần hiện diện như những tiêu chuẩn đạo lý, chí hướng, hoài bão… Văn minh miệt vườn tạo nên những mẫu người tiêu biểu của nó. Mẫu người đó không mất gốc vườn rẫy, vẫn giữ đạo lý truyền thống nhưng đã thích nghi với nền nếp kinh doanh và văn minh phố thị. Với họ, lối sống ở vườn hài hòa với chợ, kinh doanh gắn liền canh tác, sống chan hòa với người cùng vườn quê, giao dịch, hợp tác làm ăn với người ở chợ, cả người Hoa, người phương Tây, người Công giáo hay Phật giáo. Họ vẫn gần gũi với làng quê vườn rẫy nhưng cũng không hề xa lạ, bỡ ngỡ với chợ phố, kinh doanh”, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng quả quyết về sự thích ứng và sáng tạo của người Bình Dương. Khái quát đặc tính chung của người Bình Dương gắn với khái niệm người miệt vườn là năng động - tài hoa, nghĩa tình - bao dung, trọng tình - thực nghiệp, có chí hướng, hoài bão.

Chính môi trường thiên nhiên hun đúc tính năng động, tài hoa. Môi trường tự nhiên và sinh thái xã hội đa văn hóa, đa tộc người tạo nên thái độ văn hóa luôn cởi mở, bao dung, trọng tình, nhưng lại không se sua những gì mơ hồ, phù phiếm mà luôn thực nghiệp. Trong hoàn cảnh phải luôn đấu tranh chống áp bức và xâm lược, lại tiếp cận các ngọn nguồn văn hóa khác nhau tạo ra trong họ những khát vọng của hoài bão, lý tưởng cao đẹp.

Đến hội tụ và tỏa sáng

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng cột mốc từ sau năm 1975 đến cuối những năm 1990, sau thời kỳ bao cấp, trong thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với đặc điểm là vùng đất của giao lưu và hội tụ, Bình Dương đã từng bước tạo nên một sinh thái kinh tế - xã hội mới, sinh động với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp. Sinh thái đó định hình một dáng dấp người Bình Dương đương thời với mấy đặc điểm nổi bật là hội tụ với đa vùng miền, đa văn hóa, đa trình độ, đa thu nhập, hầu hết đều xuất thân từ nông thôn các vùng miền trong cả nước.

Trong quá trình công nghiệp hóa, những người mới đến ngày càng chiếm số đông tuyệt đối trong tổng số dân cư, nhất là ở các vùng công nghiệp và đô thị của tỉnh. Những người miệt vườn địa phương cố cựu dần trở thành thiểu số. Cái gọi là văn minh miệt vườn trước đây giờ bị pha loãng trong tổng thể đa văn hóa của công chúng. Trong tổng thể dân cư đó, trải qua quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhất là trong sự bùng phát hàng loạt các đô thị ở Bình Dương trong giai đoạn sau, tầng lớp thị dân Bình Dương hình thành.

Văn hóa đô thị Bình Dương có tính đa dạng và phân hóa cao. Đó là sự đa dạng và phân hóa toàn diện cả về hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống đến tinh thần, tư tưởng. Trước hết, đó là sự đa phương hóa, đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa. Những sở thích của thị dân Bình Dương đã dần dần trở nên vô cùng đa dạng, phong phú, thể hiện nhiều chiều cạnh đời sống tinh thần của họ. Mặt khác, họ còn có nhiều quan hệ, giao tiếp xã hội ẩn danh, ngẫu nhiên và giao tiếp công cộng cũng như các quan hệ xã hội tại nơi làm việc, qua các loại hình dịch vụ, thông qua ứng dụng công nghệ cao. Do đó, thị dân Bình Dương rất nhạy cảm với các xu hướng kinh tế - xã hội.

Văn hóa đô thị Bình Dương góp phần hội tụ và tỏa sáng các loại hình văn hóa dân tộc. Trong sự phức hợp giữa các loại hình, tình hình chung là văn hóa đại chúng lan tỏa, phổ quát nhất là trên phương diện hành vi, lối sống, văn hóa dân gian, truyền thống phần nào được bảo tồn và phát triển, công nghiệp văn hóa chỉ mới bước đầu hình thành. Tầng lớp thị dân Bình Dương ra đời đã dẫn đến sự định hình văn hóa đô thị Bình Dương. Ngược lại, ngay trong tiến trình đó, văn hóa đô thị đã góp phần hun đúc về chất cho tầng lớp thị dân. Quá trình đó vẫn đang tiếp diễn, hứa hẹn những thành tựu mới lạ trong chuyển biến kinh tế - xã hội của Bình Dương tương lai.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng dự báo trong thập niên tới, ở Bình Dương, văn hóa đô thị sẽ tiếp tục phát triển đến những đỉnh cao mới. Thị dân Bình Dương sẽ trưởng thành nhanh hơn và sẽ có những đại diện tiêu biểu trong tầng lớp thị dân Việt Nam. Những thành tựu các mặt này sẽ đậm hơn về chất, cao hơn về thế, vững vàng, bề thế, sáng láng xinh đẹp hơn nếu Bình Dương có những chính sách thích hợp, tác động tích cực vào tiến trình phát triển của các nhóm văn hóa và tiểu văn hóa.

Thị dân cần được trân trọng, bồi dưỡng, nâng đỡ phát triển để trở thành những con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học như Nghị quyết 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định. Trước hết, đừng xa lạ với thị dân, cần hiểu biết, nhận thức về tầng lớp xã hội này đầy đủ hơn. Đặc biệt, nên xác định rõ trách nhiệm sẽ lãnh đạo, bồi dưỡng tầng lớp xã hội đó ngày càng phát triển, tiến bộ, văn minh.

Cơ sở kinh tế chính là vườn cây các loại thường là chuyên canh với trình độ cao về thâm canh và có quan hệ gắn bó với thị trường. Tiêu biểu nhất trong lịch sử Bình Dương là các vườn trái ở Lái Thiêu xưa và những vườn trồng mía, thuốc lá, bưởi, các loại đậu… ở nhiều nơi trong vùng. Sản phẩm từ các vườn và rẫy là nguyên liệu cho các ngành thủ công truyền thống, giúp ra đời hàng loạt lò đường, lò mía, lò kẹo, lò bánh… các trại cưa, trại ván, trại bụi… các xưởng nhuộm, xưởng rèn, xưởng tranh kiếng… Sản phẩm từ vườn đến lò, hoặc trại, rồi vào các xưởng, sau đó sẽ ra chợ, hoặc xuống các bến xuất đi các nơi. Vật phẩm nào chưa xuất đi hay chưa bán hết sẽ được trữ lại trong các vựa (hay chành theo cách gọi của người Hoa). Như vậy các vườn - lò - xưởng trại - chợ - bến vựa chính là các thiết chế hiện hữu trong sinh thái kinh tế miệt vườn của người Bình Dương xưa. Sinh thái miệt vườn tạo nên văn minh miệt vườn.

TIỂU MY (ghi)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3191
Quay lên trên