Cô giáo mầm non có thể nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định nếu được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Văn phòng Chính phủ ngày 4/1 giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể nhóm giáo viên mầm non, giáo viên thể chất vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cơ sở kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nếu được bổ sung vào danh mục, hai nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Trong khi tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 được điều chỉnh theo lộ trình, đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035.
Cô giáo trường mầm non Củ Chi, TP HCM hướng dẫn trẻ trò chơi, tháng 6/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn, cho biết Công đoàn giáo dục Việt Nam thực hiện khảo sát cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Kết quả gần 10.700 ý kiến (96%) kiến nghị nữ giáo viên mầm non và 2.900 ý kiến (93%) đề nghị nữ giáo viên thể dục được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, giáo viên mầm non là nghề đặc thù, vừa "dạy" vừa "dỗ", múa, hát, đọc, kể chuyện, hiểu tâm lý từng trẻ. Công việc chịu nhiều áp lực khi phải đảm bảo chất lượng giáo dục lẫn sức khỏe, tinh thần, an toàn cho trẻ. Giờ làm việc của các cô thường vượt quá quy định, 9-10 tiếng mỗi ngày, chưa kể đi sớm về khuya đón trẻ và hầu như không được tính thêm lương.
"Cường độ làm việc cao, sức ép từ việc phải giữ an toàn cho trẻ gây căng thẳng kéo dài, khiến sức khỏe giáo viên mầm non giảm sút nhanh theo thời gian", bà Ngân phân tích và cho rằng nghỉ hưu sớm còn giúp trẻ hóa giáo viên mầm non.
Luật hiện nay quy định lao động từ đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 năm) so với tuổi nghỉ hưu bình thường. Cả nước có khoảng 3 triệu lao động làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo VNE