Kinh tế trang trại: Định hướng sản phẩm để xuất khẩu

Cập nhật: 03-09-2015 | 07:58:03

Trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Làm sao để có sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu tại chỗ, những sản phẩm chiến lược, bảo đảm yêu cầu gắt gao của thị trường xuất khẩu… chính là vấn đề mà các ngành chức năng và chủ các trang trại tại Bình Dương phải khẩn trương giải quyết.

 Bảo đảm sản phẩm cho thị trường nội địa

Hiện Bình Dương có tới hàng trăm trang trại chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm ở khắp địa bàn các huyện, thị, thành phố. Về cơ bản, các trang trại này đủ sức đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ hàng ngày tại địa phương cũng như cung cấp sản phẩm ra hệ thống siêu thị, chợ khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, sản phẩm thịt gia cầm đang đứng trước những thách thức to lớn.

Sự kiện gà Mỹ nhập vào Việt Nam bán với giá rẻ vừa qua đã gây tổn thất nặng nề đối với các trang trại chăn nuôi gà nói chung và tại tỉnh Bình Dương nói riêng, tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là một trong những vụ việc điển hình cho những thách thức đó. Chủ một trang trại nuôi gà tại huyện Bắc Tân Uyên cho biết: “Việc gà Mỹ bán phá giá tại thị trường Việt Nam đã đem lại bài học cay đắng cho các trang trại. Tôi nghĩ các chủ trang trại phải nhìn nhận thực tế yếu kém của mình, việc lệ thuộc quá nhiều vào thương lái sẽ không bảo đảm đầu ra cho con gà, con vịt”.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đang phát triển đúng hướng. Ảnh: K.T

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh nhận định, nếu không quản lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, về lâu dài người tiêu dùng sẽ “dị ứng” với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm từ các nước trong khu vực ồ ạt tràn vào gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong việc “giành giật” thị trường truyền thống.

Cũng theo ông Cường, cơ hội xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm sang các nước hiện nay là rất thấp. Thứ nhất, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện chỉ vừa đủ nhu cầu trong nước, vừa cân đối số lượng thịt gia súc, gia cầm nhập từ Trung Quốc bằng nhiều đường. Thứ hai, để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tham gia thị trường xuất khẩu chúng ta cần nhanh chóng xây dựng “vùng an toàn” đúng với luật quốc tế mới mong có cơ hội đưa sản phẩm chăn nuôi của Bình Dương xuất ngoại. Muốn xây dựng “vùng an toàn” cần có sự vào cuộc quyết liệt, cùng nhau hợp tác của tất cả các tỉnh, thành lân cận Bình Dương.

Cần có bước đi thích hợp

Bài học xuất khẩu trái thanh long mới đây là một ví dụ điển hình về sự thiếu liên kết giữa các bên tham gia cung ứng, tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng thanh long. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thiếu thanh long ruột đỏ xuất khẩu, nhưng tại các vùng chuyên canh thanh long như Tiền Giang giá lại rớt chỉ còn 3.000 đồng/kg. Người thiếu hàng xuất khẩu, kẻ thì ôm hàng bán tháo, bán đổ. Nếu cần thanh long xuất khẩu thì ngành chức năng, doanh nghiệp sớm thông báo rõ cho nông dân biết để chủ động cung cấp nguồn hàng. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, tâm lý thấy cái lợi trước mắt mà chạy theo của không ít hộ nông dân trồng thanh long cũng khiến họ khổ sở, thấy thanh long “hút hàng” thì đổ xô nhau trồng mà quên tiêu chuẩn gắt gao khi tham gia thị trường xuất khẩu. Do đó, gặp thất bại là đương nhiên.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), chủ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) phấn khởi cho biết, hiện sản phẩm nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao là xu thế chung của thế giới. Mặt hàng dưa lưới của công ty đang chiếm lĩnh thị trường tại Bình Dương. Bên cạnh đó, chuối đang là mặt hàng xuất khẩu mạnh của công ty sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Để làm được điều này, công ty đã ứng dụng công nghệ vào quy trình trồng trọt và thu hoạch theo tiêu chuẩn gắt gao của GlobalGAP. Năm 2011, công ty trồng lứa chuối đầu tiên, đến năm 2013 sản phẩm chuối đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Ông Liêm chia sẻ kinh nghiệm, chủ trang trại, doanh nghiệp môi giới… cần chú ý hơn tới nhu cầu thị trường quốc tế để tìm hiểu thật kỹ thông tin, hàng rào kỹ thuật, chính sách bảo hộ của nước nhập khẩu, từ đó có những bước đi thích hợp. Thông tin phải bảo đảm vừa chính xác vừa đầy đủ. “Là đơn vị tiên phong của tỉnh Bình Dương trong việc hướng tới một nền nông nghiệp xanh - sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại theo hướng thị trường, Unifarm đang chuyển giao công nghệ cho nhiều hộ nông dân để hình thành một vùng chuyên canh cây chuối ngay tại Bình Dương nhằm cung cấp cho thị trường nước ngoài”, ông Liêm nói.

Ngành nông nghiệp công nghệ cao đang được UBND tỉnh hết sức quan tâm và khuyến khích phát triển. Thời gian qua, bằng nhiều chính sách, tỉnh Bình Dương đã xây dựng được 7 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP, 6 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt chuẩn VietGAHP, 2 công ty được chứng nhận GlobalGAP… Đó chính là những bước đi đầu tiên của tỉnh nhà trong việc định hướng ngành nông phát triển theo hướng hiện đại, tham gia thị trường xuất khẩu, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1103
Quay lên trên