Những năm qua, vùng đất Phú Giáo đã hình thành nhiều trang trại kinh tế. Phát huy những lợi thế sẵn có, kinh tế trang trại (KTTT) ở huyện đang phát triển ổn định, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần quan trọng làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn huyện nhà.
Mô hình trồng ổi theo phương pháp hữu cơ của Hợp tác xã ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Phát huy lợi thế
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện là 46.629 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên của địa phương. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện tăng lên từng năm, cụ thể năm 2000 chỉ đạt 161,6 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Với đặc tính thổ nhưỡng thuận lợi, các khu vực trồng cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao và được xem là đặc sản của huyện. Đến thời điểm các vườn trái cây trên địa bàn huyện đi vào thời kỳ cho trái ổn định, sản lượng trung bình lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi năm, mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
KTTT của huyện phát triển đã góp phần tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác và sử dụng có hiệu quả về tiềm năng đất đai, lao động, vốn đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý trong dân phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, đồng thời góp phần đẩy nhanh tốc độ sản xuất, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn...
Hướng đến phát triển bền vững
Theo lãnh đạo huyện, nhận thức được vị trí quan trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện, trong thời gian tới địa phương tiếp tục triển khai các chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao. Huyện chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Toàn huyện hiện có 195 trang trại, trong đó có 26 trang trại trồng trọt, 167 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích đất của các trang trại là 1.656 ha, với 1.507 lao động. Năm qua, giá trị thu từ nông, lâm, thủy sản của các trang trại đạt 1.262 tỷ đồng; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 1.261 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Châu Long, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết cùng với những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời của tỉnh, thời gian qua KTTT của địa phương đã phát triển mạnh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển KTTT, như tiếp tục hướng dẫn cấp giấy chứng nhận trang trại, phối hợp tập huấn kiến thức khuyến nông cho các chủ trang trại; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...
Về định hướng phát triển KTTT của huyện, trong thời gian tới tiếp tục phát triển theo chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa và có sự liên kết chặt chẽ trong các khâu sản xuất, tiêu thụ để tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, cộng với những lợi thế cơ bản của vùng đất nông nghiệp và sự nhạy bén nắm bắt thị trường của nông dân, tin tưởng rằng KTTT huyện nhà sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn nữa trong thời gian tới.
THOẠI PHƯƠNG