Sản xuất linh kiện điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bên lề Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 cũng như các nhiệm vụ, giải pháp, triển vọng của nền kinh tế trong năm 2016.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất tám năm qua
Theo góc nhìn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, 2015 là một năm đầy thách thức từ tình hình thế giới với nhiều biến cố trong cả kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, ngay từ đầu năm giá dầu đã giảm rất mạnh, dự toán đặt ra từ 100 USD/thùng, nhưng bình quân đến hết năm nay chỉ đạt 57 USD/thùng, đã làm giảm thu ngân sách của trung ương rất lớn. Vấn đề thứ hai là sự cố trên Biển Đông gây ra những ảnh hưởng lớn từ năm ngoái đến nay. Một tác động khác là tâm lý của doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, đặc biệt sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, người dân, kinh tế năm nay đã có những bước phát triển vượt bậc, vượt xa những mục tiêu đã đặt ra, đã góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm năm qua (2011-2015), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhìn nhận.
Khái quát về những kết quả đạt được trong năm nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, mặt thuận lợi nổi lên lớn nhất của năm nay là tiếp tục giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô với một chỉ số lạm phát rất thấp. Chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra năm nay là 6,2%/năm đã là một mức rất cao so với bốn năm trước. Trong báo cáo Thủ tướng trình bày trước Quốc hội là sẽ đạt khoảng 6,5%, nhưng theo số liệu Tổng cục thống kê tính toán rất chặt chẽ thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay đạt con số 6,68% - mức tăng trưởng cao nhất trong tám năm qua, kể từ 2008 đến nay. Điều này cho thấy, kinh tế của Việt Nam đang có sự hồi phục, chứ không phải lạm phát, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kết quả công tác ổn định vĩ mô trong chính sách tiền tệ, tín dụng đã có sự chuyển biến tốt. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo là điểm sáng trong mấy năm gần đây và là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những năm qua. Bên cạnh đó, mặc dù khó khăn của thời tiết xảy ra rất nghiêm trọng nhưng ngành nông nghiệp đã rất nỗ lực để đạt mức tăng trưởng gần 2,4% - một cố gắng rất cao trong điều kiện chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và sự giảm giá xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới vừa qua.
Điểm sáng thứ hai là năm nay, trong điều kiện kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhờ đó đã nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều chỉ số mà quốc tế công bố như năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 19 bậc hay một số chỉ số khác về vĩ mô, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… của Việt Nam đang dịch chuyển tới những mốc tốt hơn rất nhiều so với những năm trước, đã cải thiện chất lượng của nền kinh tế đất nước. Đây thực sự là cố gắng lớn của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp.
Điểm sáng thứ ba là trong bối cảnh như vậy, nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo an sinh xã hội với các chỉ tiêu như tăng 1,6% việc làm so với năm nóoái, đạt trên 100%; tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%; đào tạo lao động cũng vượt kế hoạch, đạt tới trên 50%, trong đó hơn 21% là đào tạo có chứng chỉ nghề sau ba tháng học.
Mặc dù vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song kết quả của năm nay vẫn là một năm đầy ấn tượng với lượng tăng trưởng của doanh nghiệp đạt 26,6%, tăng thêm cả về số lượng thành lập doanh nghiệp mới và vốn; đồng thời số doanh nghiệp phục hồi trở lại cũng tăng cao. Kết quả này là hệ quả của những chính sách tốt như Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã làm gia tăng những tháng cuối năm rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới. Đây là những biểu hiệu rất tương đồng, logic của sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, những vấn đề an ninh chính trị, an toàn giao thông và các mặt khác đã được đảm bảo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại cần khắc phục của nền kinh tế như sự tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững, vẫn phụ thuộc vào vốn, nguồn lao động giá rẻ và một phần tăng trưởng nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, kết quả tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ là bước đầu; chưa thực sự đi vào chiều sâu, năng suất lao động chưa cao. Mặt khác, doanh nghiệp mặc dù đã tăng trưởng nhưng vẫn còn yếu, đặc biệt là khối doanh nghiệp hỗ trợ. Kinh tế nông nghiệp vẫn còn nhiều rủi ro từ thời tiết và bản chất nông nghiệp trong nước vẫn là manh mún, nhỏ lẻ. Các vấn đề như an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; an toàn xã hội… chưa giải quyết được.
Quyết liệt trong điều hành
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích, có rất nhiều nguyên nhân giúp Chính phủ điều hành có hiệu quả trong năm nay, nhưng cái chung nhất là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Ví dụ như việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là rất quyết liệt trong nhiều năm qua; trực tiếp có sự chỉ đạo của Thủ tướng đến từng bộ, ngành yêu cầu báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19.
“Điều này rất tốt, làm cho các doanh nghiệp phấn khởi, kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, để đầu tư cho sản xuất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, là sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và cũng phải kể đến Quyết định số 1317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, tham mưu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp để tham mưu cho Chính phủ khi có những biến động lớn về tài chính, kinh tế thế giới.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là niềm tin của doanh nghiệp ngày một tăng cao nhờ kết quả tốt của công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là những nguyên nhân rất quan trọng trong phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định./.
Theo Vietnam+