Giáo sư Nguyễn Gia Bình phân tích về kỹ thuật lọc máu hiện đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Công trình nghiên cứu mang tên: “Ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016.
Tác giả của cụm công trình trên là giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai và các đồng tác giả đã mở một cánh cửa mới giúp cho nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu hiện đại.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Gia Bình để hiểu rõ hơn về công trình này cũng như những ý nghĩa mà công trình mang lại cho nhiều người bệnh trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Cuộc cách mạng trong hồi sức
- Thưa giáo sư, công trình nghiên cứu trên được ra đời trong hoàn cảnh như thê nào?
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Trong bối cảnh các nghiên cứu ứng dụng về các biện pháp lọc máu hiện đại ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa công trình nào đưa ra được kết luận thích đáng về hiệu quả và các biến chứng hay gặp của các biện pháp lọc máu đó trong lâm sàng. Đặc biệt, tại Việt Nam chưa xây dựng được các quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh để có thể áp dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Xuất phát từ tình hình bệnh tật và các kết quả nghiên cứu đó đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu điều trị một số bệnh" nhằm mục tiêu nghiên cứu hiệu quả và các biến chứng thường gặp của một số biện pháp lọc máu hiện đại (lọc máu liên tục, thay huyết tương, gan nhân tạo và lọc máu hấp phụ) trong cấp cứu điều trị một số bệnh đã ra đời.
- Giáo sư có thể chia sẻ một chút cảm xúc khi cụm công trình mà Khoa Hồi sức tích cực đã ấp ủ và thực hiện bao năm qua vừa đoạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016?
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Qủa thực, giải thưởng mà chúng tôi đạt được là một sự động viên tinh thần rất lớn. Tuy nhiên, công trình xuất phát từ thực tế là những người bác sỹ làm công tác hồi sức tích cực chúng tôi hàng ngày phải gặp và cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân nặng.
Hàng ngày, chúng tôi phải chứng kiến cảnh thấy bệnh nhân nặng chết nhiều, vì vậy, các bác sỹ chỉ đau đáu một nỗi niềm làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong xuống. Công trình xuất phát từ mục đích là để cứu người bệnh chứ không vì danh vọng, giải thưởng.
Kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai giúp giảm tử vong đáng kể cho nhiều bệnh nhân nặng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Hơn 9.000 bệnh nhân có cơ hội cứu sống
- Giáo sư có thể cho biết hiện đã có bao nhiêu bệnh nhân được điều trị phương pháp lọc máu liên tục này?
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Cho đến nay, đã có hơn 9.200 bệnh nhân được lọc máu tại 11 cơ sở có ứng dụng công trình. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong giảm một nửa so với trước khi áp dụng kỹ thuật lọc máu.
Con số trên cho thấy nhờ lọc máu có thêm khoảng 2.000 (trung bình 20%) số bệnh nhân được cứu sống. Hạn chế bệnh nhân sang các nước điều trị, tiết kiệm được nguồn tài chính (cho dù do nhà nước hay do nhân dân tự chi trả) đáng kể.
Chẳng hạn như, với những bệnh nhân bị viêm tụy cấp trước đây thì tỷ lệ tử vong của phương pháp điều trị truyền thống là 50%, tuy nhiên với kỹ thuật lọc máu hiện đại, cứ 10 bệnh nhân nặng có 9 bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.
Việc ứng dụng thành công các công nghệ kỹ thuật lọc máu hiện đại cho thấy ngành hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã theo kịp các bước tiến bộ về khoa học và công nghệ của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Với thành công đó đã cải thiện rất rõ chất lượng cấp cứu điều trị nhiều bệnh nặng hiểm nghèo khá phổ biến. Làm giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong và biến chứng với tổng kết trước đó 5 - 10 năm.
Chẳng hạn như, với bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng tỷ lệ tử vong giảm còn 16% so với trước 2008 là 52%; Sốc nhiễm khuẩn tỷ lệ tử vong giảm còn 49 % so với trước 2008 là 63,3-72%; Suy đa tạng tỷ lệ tử vong giảm còn 67% so với trước 2008 là 87%. Đặc biệt cứu sống được nhiều ca bệnh suy 5-6 tạng mà trước đây tử vong 100%.
Tiết kiệm chi phí
- Vậy kỹ thuật lọc máu hiện đại có giúp các bệnh nhân trong quá trình điều trị tiết kiệm được chi phí như thế nào thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Việc ứng dụng thành công các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại và phát triển ứng dụng vào cấp cứu điều trị cho nhiều loại bệnh nặng khác nhau được tiến hành kịp thời, được áp dụng ngay tại địa phương đã giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị, từ đó giảm chi phí cho chăm sóc y tế.
Đơn cử, số bệnh nhân suy đa tạng và sốc nhiễm trùng chiếm 10-40% tại phòng hồi sức và chi phí đến 16,7 tỷ USD/năm. Theo thống kê từ 253 bệnh viện ở Mỹ, chi phí trung bình 2.500 USD/ngày nằm viện phải thở máy, trong khi chi phí 1.500 USD/ngày không thở máy.
Trong công trình này, thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 và thời gian nằm viện còn 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí cho thở máy và cho nằm viện cũng giảm tương ứng. Đó là chưa kể chi phí gián tiếp và không nhìn thấy được (cho gia đình bệnh nhân đi theo, mất ngày công làm việc ...).
Tôi ví dụ, chỉ riêng chi phí kháng sinh điều trị viêm phổi mắc phải tại bệnh viện cũng khoảng 2 triệu VND/ngày/bệnh nhân. Trong công trình này, nhờ lọc máu mà nhóm bệnh nhân nhược cơ nặng và Guillain Barre có tỷ lệ viêm phổi chỉ bằng 1/4 - 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên cũng tiết kiệm được 1 triệu - 1,5 triệu VNĐ/bệnh nhân.
- Xin giáo sư cho biết công trình được ứng dụng rộng rãi như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Cụm công trình bao gồm 5 công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thể về các biện pháp lọc máu hiện đại được nghiên cứu ứng dụng, triển khai được tiến hành tại 7 bệnh viện lớn trong cả nước.
7 bệnh viện lớn trong cả nước gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện nhân dân 115.
Sự thành công của đề tài mở ra triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước: Kỹ thuật gan nhân tạo giúp bệnh nhân suy gan nặng sống trong khi chờ ghép gan và chờ gan hoạt dộng sau ghép, lọc máu liên tục hỗ trợ trong ghép thận, ghép tim, ghép phổi…
Trong quá trình thực hiện đề tài đã giúp 200 bác sỹ chuyên khoa cấp I, II, thạc sỹ, tiến sỹ có cơ hội học tập về kỹ thuật lọc máu hiện đại tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện khác.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tốt các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã giúp hỗ trợ hồi sức tốt cho phát triển các kỹ thuật phẫu thuật lớn thành công như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật gan mật…
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
(Theo TTXVN)