Kỳ tích một vùng đất

Cập nhật: 29-12-2018 | 05:42:27

 Sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào ngày 1-1-1997, Bình Dương tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đột phá vươn lên thành một tỉnh phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đây, tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới, với những bước đi đột phá đầy ấn tượng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân.

 Năng động phát triển

Sau ngày tách tỉnh, cùng với việc củng cố hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, tỉnh tập trung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại; chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ để làm nền tảng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Tỉnh cũng bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên 13%/hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Chỉ tính riêng trong năm 2018, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Kết quả nổi bật là có 27/29 chỉ tiêu kinh tế- xãhội chủ yếu của tỉnh đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,68%; GRDP bình quân đầu người 130,8 triệu đồng.

 

Kinh tế Bình Dương vững vàng hội nhập. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Kymco Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một). 
Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, gắn kết hài hòa với hệ thống các khu đô thị và dịch vụ; từ 7 khu công nghiệp với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, hiện nay toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 70% và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707 ha, tỷ lệ cho thuê đạt khoảng 65%. Với sự hoạt động hiệu quả của các khu, cụm công nghiệp nên trong năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng lên gấp 62 lần so năm 1997.

Trong thu hút đầu tư và tạo nguồn lực để phát triển, với việc duy trì và thực hiện có hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ thu hút nhân tài” của tỉnh đã tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương. Đến cuối năm 2018, tỉnh đã thu hút được trên 36.379 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn lên đến 296.989 tỷ đồng, tăng gấp 47 lần về số dự án, 32 lần về số vốn so năm 1997. Trong thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh đã thu hút được 3.509 dự án đầu tư nước ngoài từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đăng ký là 32,2 tỷ USD, góp phần cho tỉnh Bình Dương vươn lên hạng 3 cả nước về thu hút đầu tư FDI, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Toàn tỉnh hiện có hàng ngàn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp vào 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là thị trường châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm tăng bình quân 24,9% và liên tục xuất siêu. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 25,28 tỷ USD, tăng hơn 71 lần so với năm 1997; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 24,1%/năm; năm 2018 đạt 20,5 tỷ USD, tăng hơn 75 lần so với năm 1997.

Vững vàng hội nhập

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực, đã làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn được nâng cao rõ rệt. Đến nay, tỉnh đã có 43/46 xã và 2 đơn vị cấp huyện (huyện Dầu Tiếng và TX.Tân Uyên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Song song đó, tỉnh đã chủ động hình thành các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cao gấp nhiều lần so với năm 1997.

Qua chặng đường 22 năm phát triển, nhiều công trình quan trọng, có tính chất đột phá và làm động lực cho phát triển đã trở thành biểu tượng của mảnh đất Bình Dương. Một trong những điểm nhấn then chốt trong phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị của tỉnh là việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ- Đô thị gần 4.200 ha, trong đó có thành phố mới Bình Dương và Trung tâm Hành chính tỉnh. Đây chính là hạt nhân của một đô thị Bình Dương hiện đại, năng động, bền vững và thông minh trong tương lai, hội tụ đầy đủ các loại hình dịch vụ và một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ được kết nối thông suốt với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những công trình này đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần to lớn và là nền tảng phục vụ cho việc xây dựng đô thị của Bình Dương theo hướng hiện đại, văn minh, giàu đẹp, phát triển nhanh chóng và bền vững.

Trong thời gian qua, Bình Dương cũng tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch chung xây dựng đô thị, phân khu chức năng. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ chương trình phát triển, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị; đã công bốTP.ThủDầu Một đạt đô thịloại I, TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên là đô thị loại 3; lập lại kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý xây dựng.

Để bảo đảm cho quá trình hội nhập quốc tế được thuận lợi và phát triển tích cực, tỉnh luôn tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với nhiều tỉnh, thành phố nước ngoài; chú trọng thông qua các hoạt động đối ngoại để quảng bá, nâng cao hình ảnh và vị thế của Bình Dương đối với bạn bè và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hướng những thành quả tốt đẹp đến mục tiêu phát triển ổn định, bền vững của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, trong năm 2018 UBND tỉnh xác định chỉ tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7%; tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - ngư nghiệp và thuế nhập khẩu trong cơ cấu kinh tế tương ứng 63,7% - 25,0% - 3,2%- 8,1%. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng quy mô nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao; cùng với đó phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng sẽ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; tập trung phát triển nguồn lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống hạ tầng y tế hiện đại, thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống của nhân dân…

Bảo đảm an sinh xã hội 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh trong thời gian qua đã có những bước phát triển phù hợp. Tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo phát triển văn hóa, tinh thần cho nhân dân và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh; nhiều bệnh viện, trường đại học, cao đẳng hiện đại được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng cơ bản yêu cầu học tập, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ để đón nhân tài”, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao ngoài tỉnh về làm việc trên địa bàn, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo. Trong 22 năm qua, tỉnh đã giảm trên 50.000 lượt hộ nghèo. Liên tục trong nhiều năm, tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí của quốc gia. Tỉnh đã vận động xây tặng trên 4.000 căn nhà tình nghĩa, gần 7.900 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; tạo việc làm mới cho gần 1 triệu lao động và đào tạo nghề cho khoảng nửa triệu lao động, nâng tổng số lao động được đào tạo đến năm 2018 lên đến 78%.

Bên cạnh việc quan tâm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh cũng rất quan tâm thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, phục vụ cho người có thu nhập thấp, nhất là lực lượng công nhân và người lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương làm việc.

M.NGUYỄN

 

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên