>Bài 2: Bản hùng ca mang tên Đoàn B.90
> Bài 1: Chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam
Bài 3: Đoàn C.200: Soi đường lên Tây nguyên
Cùng với B.90 từ Nam Tây nguyên, Đoàn C.200 ở Đông Nam bộ cũng được thành lập, làm nhiệm vụ soi mở đường lên Nam Tây nguyên. Những người “vạch lá, bẻ cò” (nghĩa là làm dấu để biết mình đã đi qua đoạn đường đó) trong điều kiện thiếu ăn, thiếu mặc đã làm nên huyền thoại.
Mật danh Đoàn C.200
Tháng 7-1959, Đại đội 200 (mật danh Đoàn C.200) được thành lập tại đồi Bằng Lăng, làng kháng chiến Bù Cháp (nay thuộc xã Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai) do ông Phạm Hồng Sơn làm đại đội trưởng. Gọi là đại đội nhưng chỉ có 17 cán bộ, chiến sĩ. Căn cứ đầu tiên của Đoàn C.200 đặt ở Bù Gor, phía Đông sông Đồng Nai. Ông Huỳnh Văn Cột, hiện ở xã Thới Hòa (Bến Cát), nguyên chiến sĩ Đoàn C.200 cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của Đoàn C.200 là vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Mạ, M’Nông, S’Tiêng dọc sông Đồng Nai nhằm mở rộng căn cứ Chiến khu Đ về phía Bắc, tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai Thượng (nay là tỉnh Lâm Đồng). Trên hướng này, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, đội vũ trang tuyên truyền của Khoa Quốc dân thiểu số Quân khu 7 mở rộng hoạt động nhưng bị tổn thất nên phải rút về Chiến khu Đ. Vì vậy, đến thời điểm này nơi đây chưa xây dựng được cơ sở trong ĐBDTTS. Với những trở ngại đó, những ngày đầu Đoàn C.200 gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200, hiện sinh sống tại phường Phú Lợi (TP. TDM) cho biết, đoàn đi soi đường chỉ mang theo mỗi người 5 lít gạo và 1 lít muối; trong khi địa bàn mới lạ, tiếng địa phương chưa biết, phong tục tập quán chưa quen. Lương thực thiếu phải nhờ vào củ chụp, củ nần trong rừng để bám dân làm công tác. Tháng 6-1960, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy và Ban Quân sự miền Đông Nam bộ, Đoàn C.200 được tách ra một bộ phận để làm nhiệm vụ đặc trách mở đường ra phía Bắc để móc nối với lực lượng của Đoàn B.90 từ Nam Tây nguyên trở vào.
Ngày 6-6-1960, tại suối Nhung (một nhánh của sông Mã Đà), Đoàn C.200 chính thức được giao nhiệm vụ soi mở đường lên phía Nam Tây nguyên hợp nối với Đoàn B.90 từ miền Bắc vào. Đoàn gồm 17 cán bộ, chiến sĩ, phải tự cắt rừng mà đi, tuyệt đối giữ bí mật không được gặp dân, không được đi theo đường mòn, đi cặp sông Đồng Nai Thượng. Thời gian gặp nhau giữa hai đoàn Nam - Bắc dự kiến vào cuối tháng 7-1960. Địa điểm gặp nhau là buôn Bu Gur.
Soi đường lên Tây nguyên
Nhận nhiệm vụ do Khu ủy miền Đông giao, từ căn cứ Bù Cháp ở phía Tây sông Đồng Nai, đoàn hành quân đến bờ sông Đồng Nai ngày 10-6- 1960 thì gặp địch càn quét tại suối Đắc Lua. Ngày 11-6-1960, đoàn vượt sông Đồng Nai đến căn cứ thứ 2 đặt ở Bu Gor (là cơ sở do ông Phạm Hồng Sơn xây dựng từ trước, ở đây có già làng K’Tranh, là một tộc trưởng yêu nước, hết lòng giúp đỡ bộ đội), dựa vào cơ sở Bu Gor để chuẩn bị lương thực, thực phẩm.
Do quân số đông, tất cả đều là người Kinh nên đoàn đề nghị với già làng K’Tranh cho người em trai tên B’Ren cùng đi với đoàn để dẫn đường và giúp đoàn giao tiếp với ĐBDTTS, rồi B’Ren trở thành thành viên thứ 18 của đoàn. Để làm dấu những đoạn mình đã đi qua, đoàn phải “vạch lá, bẻ cò” làm sao qua lại mình biết đường mà không bị địch phát hiện.
Ngày 12-6-1960, xuất phát từ Bu Gor, đoàn tiếp tục hành quân, mỗi thành viên mang theo 5 lít gạo và 1 lít muối. Dựa theo ven sông Đồng Nai Thượng, đoàn cắt rừng đi rất vất vả, hết leo trèo đồi núi đến lội qua suối, bị gai cào, vắt cắn. Khí hậu miền núi bước vào mùa mưa, cuộc hành quân cắt rừng càng gian khổ hơn. Có lúc phải càn lướt qua trảng lau sậy bạt ngàn, có lúc gặp rừng tre chắn ngang dày đặc, có lúc phải lội qua lại sông Đồng Nai nhiều lần…
Cuối tháng 7-1960, đoàn đi đến một khúc sông 2 đầu có thác đá, có thể vượt qua bờ hữu ngạn được. Đoàn đã tổ chức vượt qua và đi cặp theo bờ sông, gặp làng đồng bào Mạ. Đồng bào ở đây bị địch gom dân về các khu tập trung dọc các lộ giao thông, nương rẫy và làng bỏ trống. Địa điểm này chính là buôn Bu Gur, điểm hẹn gặp Đoàn B.90 theo quy định ban đầu. Ông Tâm nhớ lại: “Lần vượt sông ấy tôi may mắn chứ không thì bỏ xác rồi. Khi ấy, tôi bị nước cuốn trôi rơi xuống mấy cái thác, cũng may cuối cùng tôi nắm được bụi rù rì và được anh em cứu lên”.
Trong những ngày ở đây, đoàn phát hiện kho lúa, muối của bà con bỏ lại, vì vậy đoàn đã quyết định “lấy cắp” mỗi người trong đoàn 20kg gạo, muối và để tiền lại cho đồng bào khi họ trở về để ăn trong những ngày đợi Đoàn B.90 cũng như tiếp tục mở đường về phía Bắc. “Mấy ngày thiếu muối giờ thấy muối anh em mừng khôn xiết. Mỗi người bốc ít muối bỏ vào miệng nhai rốp rốp như nhai kẹo. Bây giờ mỗi khi nhắc đến chi tiết đó, mấy anh em ai cũng cười”, ông Tâm kể.
Chờ lâu không thấy Đoàn B.90, đoàn tiếp tục mở đường lên hướng Bắc, ngược sông Đắc Đoeng (đồng bào địa phương gọi là Đạ Dưn, tức nước lớn, sông to), hướng đoàn tiến đến là buôn Bu Sa Ya.
Theo ông Hồ Minh Tư, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200, hiện ở huyện Dầu Tiếng, khi đó, anh em trong đoàn nhẩm tính, từ ngày xuất phát từ buôn Bu Gor đã 2 tháng. Con đường cắt rừng để đi đã ngót 200 cây số nhưng vẫn chưa gặp được Đoàn B.90 nên ai cũng xót ruột. Đến cuối tháng 9-1960, đoàn đến được buôn Bu Sa Ya, gặp một làng người Mạ với khoảng 20 nóc nhà. Đây là làng duy nhất không bị gom dân do người dân bị mắc bệnh lác cẩm, một loại bệnh lác làm sần sùi da, ngứa ngáy. Khi dân làng biết đoàn là người của cách mạng, bộ đội của Bác Hồ nên đón tiếp rất niềm nở. Trong lúc chờ đợi Đoàn B.90 như đã hẹn, đoàn đã làm công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ nhưng vẫn bảo đảm bí mật. Nhờ có dân nên lúc này đời sống của đoàn được ổn định vì mua được gạo, thực phẩm.
Từ đây, đoàn phân một bộ phận nhỏ gồm 6 người tiếp cận bờ sông Đồng Nai Thượng để nắm tình hình. Bộ phận này tiếp tục cử ông Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Văn Cột và Hồ Minh Tư bơi qua sông để tìm bắt liên lạc với đoàn B.90. Qua sông khoảng 1km, anh em phát hiện có dấu vết người nấu ăn, cột võng nhưng ngụy trang rất kỹ, đoán rằng là anh em đoàn B.90 đã đến nơi. Tuy vậy, phải đến cuối tháng 10-1960, 2 đoàn Nam - Bắc mới gặp nhau trong sự vui mừng, hạnh phúc khôn xiết.
Dù chuyện đã xảy ra hơn nửa thế kỷ nhưng ông Hồ Minh Tư, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200 vẫn còn nhớ mãi. Ông kể: “Có ngày đoàn đi chỉ được 200m thì lương thực cạn dần. Chế độ ăn phải rất dè xẻn, phải ăn độn với củ chụp và các loại rau rừng như măng, môn dốc, lá bép, số gạo còn lại chỉ để dành cho người bị đau ốm, sốt rét. Cán bộ, chiến sĩ C.200 hầu hết trưởng thành từ phong trào đấu tranh chính trị ở địa phương rồi gia nhập lực lượng vũ trang nên đã từng sống bằng củ rừng ở Chiến khu Đ nên đã quá quen với cách sống này. Dọc đường đi, củ chụp có ít mà củ nần thì nhiều nên đoàn phải ăn củ nần. Mà củ nần thì cực kỳ khó tính, nếu làm dối ăn sẽ bị say, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Vì vậy, thường thường đoàn hành quân đến khoảng 16 giờ chiều thì tìm chỗ trú quân, phân công người đi hái môn dốc, bẻ măng làm canh và lo cơm chiều. Riêng với củ nần được xắt lát mỏng luộc chín, bỏ vào sọt tre ngâm dưới dòng nước chảy. Về đêm, luân phiên gác để đảo lên, đảo xuống cho sạch chất độc. Có hôm đảo không kỹ, củ nần còn độc tố, cả đoàn say cắm đầu, cả ngày sau mới tỉnh”.
Bài cuối: Đắc R’Tih - Dấu ấn mãi không phai
• THU THẢO