Thực hiện mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, tránh điệp khúc “trúng mùa, thất giá”, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã kết hợp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích liên kết giữa nhà vườn, các trang trại với hợp tác xã, chắp cánh cho nông sản địa phương vươn xa với các thị trường trong và ngoài nước.
Các chủ trang trại tiêu biểu ở Bắc Tân Uyên nhận giải thưởng tại hội thi Trái cây có múi 5 Sao
Nâng cao năng lực nhà nông
Thống kê của huyện Bắc Tân Uyên, quý III-2019, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tăng gần 4%, đạt gần 50% kế hoạch năm. Nhằm hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển, huyện đã chỉ đạo công tác gia cố, nạo vét các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, huyện đã tổ chức triển khai thí điểm mô hình sản xuất hoa lan mokara cắt cành cho 2 hộ nông dân; khảo sát, chọn điểm thực hiện mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn theo hướng VietGAP với hệ thống tưới phun mưa tại xã Tân Định và Lạc An. Đồng thời, triển khai thực hiện 3 điểm nghiên cứu đồng ruộng (IPM cộng đồng) “Sử dụng các biện pháp tổng hợp khống chế hiện tượng vàng lá suy kiệt trên bưởi da xanh” tại xã Thường Tân; “Tìm giải pháp tổng hợp phòng trừ bệnh Parama trên cây chuối” tại xã Tân Định; “Sử dụng các biện pháp tổng hợp phục hồi cam sành sau mùa thu hoạch” tại xã Lạc An. Cùng với đó là mở các lớp tập huấn phòng trừ dịch bệnh, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện danh mục các tuyến đường giao thông nội đồng và công trình thủy lợi cần đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân trên địa bàn các xã Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An; danh mục các ngành nghề khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp thông tin tuyên truyền đến người dân trên địa bàn huyện về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp của huyện, như: Mời nhà nông, chủ các trang trại đưa sản phẩm đến trưng bày tại các phiên chợ bán hàng giảm giá do Liên đoàn Lao động huyện tổ chức; tuyên truyền đến các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn về chương trình hỗ trợ xây dựng mã truy xuất nguồn gốc QR Code…, qua đó tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của huyện có cơ hội cạnh tranh và phát triển trên thị trường.
Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, xã Tân Định đúc kết: “Tôi đã có 35 năm gắn bó với nông nghiệp, trước đây nông dân tự mày mò tìm hướng đi nên rủi ro, thất bại rất lớn. Sau khi có chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tập huấn kỹ thuật trồng trọt hiện đại cùng các chương trình xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường giúp cho trình độ, tay nghề và kiến thức của nhà nông được nâng lên đáng kể”.
Hợp tác để đi xa hơn
Nhằm kết nối nhà nông với doanh nghiệp, huyện Bắc Tân Uyên đã mở ra nhiều mô hình hợp tác, xúc tiến thương mại, khuyến khích chủ trang trại, nhà vườn cùng hợp tác phát triển thành các hợp tác xã nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng. Từ đó, hỗ trợ nhau trong kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không để tái diễn điệp khúc “trúng mùa thất giá” đã từng làm khổ nhà nông.
Đại diện Hợp tác xã cây ăn trái Tân Mỹ chia sẻ: “Tôi cũng từng là nhà nông, sản phẩm làm ra bị ép giá nên phải tự tay mang hàng ra chợ, ra đường tìm mối để bán. Sau một thời gian như thế mới nhận ra rằng muốn bán hàng được số lượng lớn, có hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lâu dài thì phải làm ăn có tổ chức,
có pháp nhân để ký kết các hợp đồng. Từ đó, chúng tôi vận động anh chị em nông dân trong xã vừa liên kết để tăng quy mô sản xuất, có khối lượng, đơn hàng lớn vừa thành lập hợp tác xã để đi ký kết hợp đồng, hợp tác. Hiện tại ngoài các đơn hàng ổn định trong nước, Hợp tác xã cây ăn trái Tân Mỹ đã ký kết hợp đồng xuất khẩu sang một số nước yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn và giá cả cũng tốt hơn”.
Là người có nhiều kinh nghiệm về thị trường, ông Lâm Thành Thương, chủ trang trại cam sành Lâm Thành Thương cho biết: Hiện tại thương hiệu trái cây có múi Bắc Tân Uyên đang chiếm lĩnh phân khúc trung cao cấp. Nhiều trang trại, nhà vườn được thương lái đến tận nơi mua hàng với giá cao ổn định. Chúng ta không được chủ quan vì hiện tại cán cân cung cầu còn chênh lệch khá lớn khi thị trường bão hòa chúng ta sẽ bị động. Muốn giá trị sản phẩm tăng cao, không lặp lại bài học cũ, nhà nông cần liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng nhau xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng các bên đều có lợi. Còn theo ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Thuận Phát, nhà nông cần phải có kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất để sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được thị trường. Bước đi đầu tiên mà hợp tác xã ông Thành triển khai là giảm chi phí sản xuất, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường bằng nâng cao giá trị hàng hóa. Dù mới đi vào hoạt động nhưng Hợp tác xã Đồng Thuận Phát đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương, các ban ngành. Điều này đã tiếp thêm động lực để các thành viên hợp tác xã thực hiện thành công nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên Xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện, những năm qua Bắc Tân Uyên đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Cam - Bưởi - Quýt Bắc Tân Uyên, do Hội Nông dân huyện làm chủ nhằm tạo thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Bà con nông dân cần tận dụng giá trị này, đồng thời phải không ngừng phát huy, bảo vệ giá trị để sản phẩm chủ lực của huyện tiếp tục vươn xa hơn nữa trên thị trường. Ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 2 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã nâng cấp lên hợp tác xã nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 15 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác đang hoạt động. UBND huyện ngoài việc hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại, tham quan học tập kinh nghiệm, xây dựng thương hiệu tập thể còn khuyến khích nhà nông kết nối giao thương, mở rộng hợp tác và chủ động thành lập các hợp tác xã làm đại diện thương mại cho nông dân. Bài học từ các tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn hiệu quả cho thấy, tính đoàn kết thống nhất là yếu tố then chốt, năng lực điều hành là yếu tố quyết định… |
DUY CHÍ