Các nhà khoa học Mỹ nhận thấy loài bướm chúa biết những cây có khả năng chữa bệnh cho những đứa con của chúng.
Ophryocystis elektroscirrha là tên một ký sinh trùng gây bệnh cho bướm chúa. Chúng xâm nhập vào ruột của sâu bướm rồi ở lại cho tới khi sâu trở thành bướm. De Roode, một giáo sư sinh học của Đại học Emory tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp tìm hiểu phương pháp chống bệnh của bướm chúa. Họ nhận thấy chúng thường xuyên đẻ trứng trên một số loài cỏ sữa – thức ăn của chúng.
Một con bướm chúa.
Theo Discovery, sau khi theo dõi và phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy các hóa chất trong các cây cỏ sữa có thể ngăn chặn bệnh mà ký sinh trùng gây nên trong cơ thể bướm. Hiện tượng đó cho thấy bướm đã tự phát triển khả năng chữa bệnh trong quá trình tiến hóa.
“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất về khả năng tự chữa bệnh của côn trùng”, De Roode tuyên bố.
Phát hiện của nhóm De Roode rất thú vị bởi bướm có vị trí khá thấp trong chuỗi thức ăn và hành vi tự chữa bệnh của chúng lại mang tính di truyền.
“Bướm mẹ thể hiện hành vi tự chữa bệnh, song chỉ có con của chúng hưởng lợi”, Thierry Lefevre, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói.
Khả năng chữa bệnh của các loài động vật cũng có thể mang đến nhiều lợi ích cho con người trong tương lai. Chẳng hạn, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu thành phần hóa học của các loài cỏ sữa để xem chúng có thể chữa được bệnh gì cho người hay không.
Theo VNE