Bài 2: Trung đoàn 301 - Bước trưởng thành của LLVT tỉnh
Ngày 27-3-1948, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Đây không chỉ là sự thay tên gọi mà còn đánh dấu sự phát triển, thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy mô đơn vị, trình độ, năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Từ đây, Trung đoàn 301 cùng các lực lượng dân quân du kích trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp chiến trường.
Sự phát triển tất yếu
Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đứng trước khó khăn lớn, buộc phải chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”; từ mở rộng phạm vi hoạt động chuyển sang củng cố vùng chiếm đóng. Chúng thay thế những cuộc hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, đồng thời ra sức củng cố ngụy quyền, phát triển ngụy quân, tranh thủ viện trợ. Ở Nam bộ, thực dân Pháp coi đây là nơi “bình định”, trọng điểm trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm biến Nam bộ thành kho dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh.
Đội nữ du kích Bến Cát (ảnh tư liệu chụp năm 1949)
Để thực hiện điều đó, chúng dành một bộ phận lớn quân đội đóng thêm đồn bót, cứ điểm, chi khu quân sự ở các đồn điền, các đường giao thông, các thị trấn, thị tứ, xây dựng các đơn vị ứng chiến cơ động, sẵn sàng mở các đợt càn quét. Trong đó, chúng coi Đông Nam bộ là chiến trường rất quan trọng, một địa bàn chiến lược, vừa là cửa ngõ phía Đông, phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, vừa là vùng nối liền Nam bộ với các tỉnh ven biển miền Trung và khu vực Tây nguyên rộng lớn; là vùng tiếp giáp với chiến trường Campuchia về phía Đông Bắc. Vì vậy, ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Thủ Dầu Một nói riêng có nhiều thay đổi, thực dân Pháp vạch ra kế hoạch bình định, bố trí lại chiến trường, phát triển lực lượng ngụy binh, lực lượng gián điệp, mở nhiều cuộc hành quân lớn nhỏ đánh vào các căn cứ kháng chiến và vùng du kích, tìm diệt lực lượng vũ trang và triệt phá cơ sở cách mạng ở địa phương.
Năm 1948, nhằm đánh bại chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ ra chỉ thị xây dựng các trung đoàn bộ đội tập trung trên toàn xứ. Theo đó, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Ban chỉ huy Trung đội 301 gồm: Nguyễn Văn Thi, Lê Đức Anh, Đoàn Hữu Hòa và Nguyễn Văn Ngọ. Trung đoàn 301 được biên chế thành 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 901 hoạt động ở vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một; Tiểu đoàn 902 hoạt động ở quận Châu Thành và Tiểu đoàn 903 hoạt động ở địa bàn Bến Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh.
Đẩy mạnh tác chiến
Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 301 đã tổ chức một số trận đánh gây tiếng vang lớn. Điển hình là đầu năm 1948, lực lượng Tiểu đoàn 903 đột nhập nhà tên giám đốc đồn điền cao su người Đức tên là Worser nhưng y đi vắng, phía ta đã tha cho vợ con y và tên sếp người Pháp. Từ đó trở đi, tên giám đốc này đã đối xử tốt hơn với phu cao su, cản trở lính Pháp bắt bớ phu cao su và tiếp tế cho ta. Tháng 3-1948, Tiểu đoàn 901, 902 phối hợp với du kích Thới Hòa, Bình Chánh, Vĩnh Tân, Tân Hiệp, Tân Hóa chặn đánh một trung đoàn Âu Phi và Partidan Cao Đài, diệt 100 tên địch.
Dưới sự chi viện mạnh mẽ của Trung đoàn 301, phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 1948, các cấp đội được hình thành từ tỉnh đến xã (đủ ở 48 xã trong tỉnh) với 243 cán bộ, nhân viên; đã tổ chức được 47 trung đội du kích với 1.410 đội viên, 2.104 trung đội dân quân tự vệ (trong đó có 820 trung đội nữ dân quân) với gần 19.000 đội viên. Lực lượng dân quân các xã tích cực phá hoại giao thông và kinh tế của địch điển hình như dân quân xã Tân An, Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú... Nhiều du kích xã còn chặn đánh nhiều cuộc ruồng bố nhỏ của địch từ 1 tiểu đội đến trung đội, liên đội, liên tục tiêu hao lực lượng địch. Nổi bật là những trận kết hợp với lực lượng quốc vệ đội hoặc trinh sát và công an xung phong kiên trì, theo dõi, nắm chắc quy luật hoạt động của những đội biệt kích Pháp nổi tiếng hung ác. Đó là trận phục kích Tiểu đội 1 biệt kích do tên quan ba Pháp Baras chỉ huy trên đường 13, tại cua chú Khải, gần Phú Văn. Tự đắc xưng danh là “con sư tử”, nhưng hắn và đồng bọn đã bị ta tiêu diệt. Hay trận tiêu diệt tiểu đội biệt kích Bạc - Nhô tại Tân Phước Khánh... Điển hình nhất là đội du kích Thanh Tuyền (Bến Cát), ngoài việc tác chiến còn tích cực tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn, tham gia xóa nạn mù chữ, biểu diễn văn nghệ...
Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và phá hoại các cơ sở kinh tế của địch, dân quân nhiều xã đã tổ chức, canh gác các ngả đường bằng mõ tre, lựu đạn để bảo vệ các khu căn cứ lớn, nhỏ của ta. Những năm kháng chiến chống Pháp, tại Chiến khu Thuận An Hòa, dân quân Bình Hòa canh gác ở 3 mặt, nhằm vào những ngả đường địch có thể hành quân, càn quét vào chiến khu. Với những thành tích xây dựng làng kháng chiến, xây dựng căn cứ kháng chiến và thành tích trong chiến đấu, năm 1948, Bình Hòa vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng là “Làng kháng chiến kiểu mẫu” của Nam bộ bởi cả làng không ai theo địch phản quốc. Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Trường ở phường Bình Hòa (TX.Thuận An) cho biết: “Niềm kiêu hãnh của nhân dân Bình Hòa chính là đã nén đau thương, tang tóc để kháng chiến đến cùng, không có một người nào đầu hàng giặc. Chưa kể, nhiều người trực tiếp cầm súng, đào công sự, bố phòng canh gác, nhiều bà con tùy theo sức của mình đóng góp gạo nuôi quân, chắt chiu trồng rau, nuôi gà cho kháng chiến”.
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một cho biết, những ngày đầu kháng chiến, LLVT và dân quân, du kích của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc và chiến đấu rất kiên cường, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Những thành quả đó không thể tách rời sự lãnh đạo, quan tâm đúng mức của Đảng bộ tỉnh nói chung mà trực tiếp là các cấp ủy Đảng ở cơ sở, cũng như cấp ủy Đảng trong các đơn vị vũ trang. Ngoài ra, các đoàn thể trong tỉnh cũng có vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển của LLVT nói chung, cũng như lực lượng dân quân du kích. Nổi bật là Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Đoàn Thanh niên Cứu quốc...
Theo Bà Nguyễn Thị Hoa, một nhân chứng lịch sử ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, trong các đoàn thể thì Hội Phụ nữ Cứu quốc phát triển nhanh nhất. Đến cuối năm 1948, ta đã có tổ chức hội ở 45 xã, có Ban chấp hành ở xã 4 huyện và thị xã với số hội viên trên 26.000 người. Lực lượng phụ nữ trong tỉnh còn có công lao lớn trong cuộc kháng chiến ở địa phương. Các mẹ, các chị khuyến khích chồng, con tham gia bộ đội. Phong trào “Hũ gạo, con gà cứu quốc, cây chuối cứu quốc” được phát động rộng rãi. Và chính các chị, các mẹ luôn đi đầu, mỗi bữa ăn cũng dành riêng 1 nắm gạo cho vào hũ gạo nuôi quân.
Bước sang năm 1949, với khi thế của phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công, các LLVT trong tỉnh tiếp tục giành thêm những thắng lợi mới. Ta tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm soát ở từng ấp, từng xóm, bao vây ép sát địch trong các đồn bót ở thị xã, thị trấn, quấy rối vùng tạm chiếm và củng cố vùng căn cứ du kích của ta.
“Việc thành lập Trung đoàn 301 không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà còn thể hiện sự phát triển, thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy mô đơn vị đến trình độ năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Điều này đã tạo điều kiện để từng bước đưa LLVT tỉnh lên trình độ mới, tổ chức huấn luyện và chiến đấu ngày một cao hơn, hiệu quả hơn. Từ đây, Trung đoàn 301 cùng các lực lượng dân qua du kích trong toàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp chiến trường”.
(Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một)
THU THẢO
Bài 3: Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên - Ra đời cách đánh đặc công