Bài 5: Góp phần làm phá sản “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân toàn miền Nam, trong đó có sự đóng góp rất lớn của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thủ Dầu Một, đã gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Diễn biến trận Chánh Lộc (1-2-1968) của Tiểu đoàn Phú Lợi, Trung đoàn Đồng Nai và Quân khu miền Đông Nam bộ Ảnh: T.L
Chuẩn bị chiến trường
Sau thất bại trong 2 cuộc phản công (mùa khô 1965- 1966 và 1966-1967) trên chiến trường miền Nam, Mỹ mất dần quyền chủ động phải chuyển dần từ phản công sang thế phòng ngự chiến lược, đối phó với hoạt động của ta trên khắp các chiến trường. Tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị về “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định” bằng tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Các mục tiêu chiến lược của cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa được Trung ương xác định là: Tập trung lực lượng tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các mục tiêu chính trị và quân sự của chúng. Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Mục tiêu phải đạt được trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.
Trước đó, từ tháng 10-1967, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định tổ chức lại chiến trường, giải thể Quân khu miền Đông, lấy Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, tổ chức chiến trường thành 5 phân khu trọng điểm, hình thành 5 mũi tiến công vào các cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam. Sau khi thành lập phân khu, các cơ quan của tỉnh Thủ Dầu Một chuyển từ căn cứ Long Nguyên về Chiến khu Đ. Đảng ủy, Bộ chỉ huy phân khu chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị, các đơn vị LLVT khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Đội nữ pháo binh Bến Cát trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 Ảnh: T.L |
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một cho biết, đến cuối năm 1967, cùng với các đội thanh niên xung phong, dân công, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, nhân viên các cơ quan ở căn cứ, đơn vị hậu cần ngày đêm bí mật chuyển hàng từ các nơi về căn cứ, từ các kho hậu cần phía sau xuống vị trí tập kết. Lúc này, trên địa bàn Phân khu 5, ta đã có 1.500 tấn lương thực, 750 tấn vũ khí đạn dược được bố trí tại các kho ở Chiến khu Đ và cất giấu rải rác trong dân. Tính đến đầu tháng 1-1968, mọi công tác chuẩn bị của LLVT Phân khu 5 trên các hướng cơ bản đã hoàn thành. Tương quan lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường Phân khu 5, địch chiếm ưu thế hoàn toàn về binh lực, hỏa lực và phương tiện chiến tranh. Địch có hệ thống bố phòng có thể chi viện cho nhau cả về hỏa lực, binh lực khi cần thiết. Sự hơn hẳn của ta trong so sánh tương quan với địch là về ý chí quyết tâm, phơi phới một niềm tin chiến thắng của các LLVT. Khi quân và dân ta trên chiến trường đã sẵn sàng cho cuộc tấn công và nổi dậy trong mùa xuân 1968 thì Mỹ vẫn cho rằng Việt Cộng chưa thể gượng dậy sau cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 của chúng. Chúng đã vạch ra kế hoạch phản công chiến lược lần thứ 3 nhằm “giáng đòn quyết định” vào LLVT của ta với hướng chính là miền Đông Nam bộ.
Đánh đòn choáng váng
Ông Nguyễn Văn Hữu kể lại, đúng 0 giờ ngày 31-1-1968, tức đêm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, cùng với toàn miền, quân và dân Phân khu 5 đồng loạt nổ súng tấn công và nổi dậy. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong đợt 1 Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân toàn miền đã gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng. Tuy ta chưa đạt được những yêu cầu cao nhất đề ra nhưng đòn tập kích chiến lược của quân và dân ta đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Jonson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận mở cuộc đàm phán 4 bên với ta tại Paris.
Tính chung đợt 1 và đợt 2 (cả nội đô và trên địa bàn phân khu và huyện Dầu Tiếng, Bến Cát), ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên Mỹ, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 3 đại đội bộ binh Mỹ, 7 tiểu đoàn, 9 đại đội ngụy, bắn cháy và phá hủy 60 xe tăng, xe bọc thép, làm tan rã và tê liệt bộ máy kìm kẹp một phần vùng nông thôn, làm đảo lộn thế trận bố trí của địch. |
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Cục, nhiệm vụ của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở đợt tấn công lần thứ 2 đánh vào các mục tiêu địch trong nội ô Sài Gòn. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Phân khu 5 đã động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ các LLVT phân khu nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xây dựng quyết tâm chiến đấu, giữ vững tư tưởng tiến công, khắc phục tư tưởng ngán ngại khó khăn, ác liệt của chiến trường, quyết tâm giành thắng lợi lớn. Nhiệm vụ của các LLVT Phân khu 5 trong đợt 2 là sử dụng lực lượng Trung đoàn Đồng Nai cùng với Tiểu đoàn 4 Quyết Thắng (của Sài Gòn - Gia Định), tấn công vào khu vực Gò Vấp làm bàn đạp phát triển về phía Bình Hòa, Hàng Xanh, Thị Nghè, quận 3, phát triển vào nội thành đánh chiếm khu an ninh quân đội và Đài Phát thanh Sài Gòn.
Suốt thời gian đợt 2 của chiến dịch trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, LLVT các huyện, thị của Phân khu 5 liên tục chiến đấu, bám giữ các vị trí bàn đạp, tổ chức những trận tấn công vào một số đồn bót, phục kích mìn trái, đánh bọn bảo an, dân vệ, bình định gom dân, pháo kích vào các căn cứ, hậu cứ địch; bám trụ đánh địch phản kích đánh phá các bàn đạp và căn cứ phía sau của ta.
Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết thêm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn Phân khu 5 là một trong những hướng trọng điểm trên phạm vi toàn Miền, cùng lúc diễn ra ở nhiều trọng điểm, diện rộng trên địa bàn phân khu, nhất là chiến đấu trong thành phố. Và các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân khu 5 cũng như bộ đội địa phương các huyện, thị, du kích xã, ấp đã vận dụng nhiều cách đánh phong phú, đa dạng, sáng tạo; dựa vào các căn cứ chiến đấu (địa đạo và ô dụ chiến đấu), sử dụng thành thạo các loại vũ khí thô sơ, tự tạo độc đáo, sáng tạo làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Từng trung đội, đại đội, tiểu đoàn, từng địa phương xã, ấp đến từng tổ, từng người; cả bộ đội chủ lực của phân khu, bộ đội địa phương các huyện thị, đến du kích (lộ, mật) xã, ấp đều dũng cảm kiên cường trong chiến đấu; nhiều địa phương còn một người cũng đánh, một tổ cũng bám trụ chiến đấu.
Ta chưa giành được thắng lợi như mong muốn do yêu cầu đặt ra quá cao, trong khi lực lượng ta ít hơn địch nhiều lần, hỏa lực, phương tiện cơ động địch chiếm ưu thế hơn hẳn. Thời gian chuẩn bị lực lượng của ta cũng gấp, cơ sở vật chất trang bị mọi mặt còn hạn chế, lực lượng chính trị chưa có điều kiện để phát động đưa quần chúng ra đấu tranh trên diện rộng, nhất là địa bàn trọng điểm... Ở từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, người chỉ huy còn nhiều nhược điểm và khó khăn... Tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đánh một đòn choáng váng vào bộ tổng tham mưu Mỹ - ngụy, tiêu diệt nhiều sinh lực cả quân Mỹ và quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm rúng động cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, dẫn tới việc Mỹ phải rút quân, chịu ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
Bài 6: Đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”
THU THẢO