Bài 3: Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên - Ra đời cách đánh đặc công
Từ trận đánh cầu Bà Kiên (nay thuộc phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) lần thứ nhất của du kích Tân Uyên (ngày 19-3-1948), sáng chế ra mìn FT, kết hợp với pê-ta đánh cầu Bà Kiên lần thứ 2 (ngày 18-4-1950) đã góp phần hình thành nên cách đánh đặc công của quân đội ta. Bằng lối đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều, lực lượng đặc công đã làm nên những chiến công vang dội, tiêu diệt và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch.
Bia tưởng niệm chiến thắng tháp canh Cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948. Ảnh: KIM VÂN
Mở đường diệt tháp canh
Với những người dân ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên hôm nay, chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948 luôn là niềm tự hào. Bởi chính mảnh đất này đã khai sinh ra lối đánh đặc công. Và ngày 19-3 sau đó đã trở thành ngày truyền thống lực lượng đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với lối đánh đặc công sáng tạo và độc đáo, trong ngày thành lập Binh chủng Đặc công 19-3-1967, Bác Hồ tặng cho binh chủng 4 câu: “Đặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí sáng tạo. Đánh hiểm thắng lớn”.
Trở lại bối cảnh lịch sử thời điểm năm 1947 trước nguy cơ phá sản của chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” trên chiến trường Việt Nam, Pháp đã cử tướng De Latour Desmerlins sang thay thế tướng Nyô với mục đích muốn nhanh chóng vãn hồi tình hình. Tướng De Latour Desmerlins đã đề ra kế hoạch “3 giai đoạn, 6 biện pháp”, trong đó có chiến thuật tháp canh “bất khả xâm nhập” nhằm chia cắt, khống chế vùng căn cứ cách mạng và các hoạt động của ta, phục vụ kế hoạch bình định toàn khu vực.
Chúng thực hiện bài bản, chuyên nghiệp với mỗi tháp canh được xây dựng kiên cố, hình vuông, có cạnh từ 4 - 5m xây bằng đá hoặc gạch, tường dày 0,5 - 0,8m, cao từ 8 - 10m. Bên ngoài lại có thêm hào lũy, chông mìn, kẽm gai cùng với chó, ngỗng để báo động, phát hiện kịp thời người đột nhập. Mỗi tháp canh cách nhau 1km có thể báo hiệu chi viện cho nhau. Khoảng giữa từ 5 - 7 tháp canh có một tháp canh mẹ tạo thành một hệ thống có thể chi viện, hỗ trợ lẫn nhau khi bộ đội ta tấn công. Tháp canh còn được bố trí hỏa lực mạnh, có máy truyền tin và các điều kiện hoạt động cần thiết. Với cách bố phòng này, quân Pháp bảo vệ an toàn đường giao thông của chúng trên các trục lộ giao thông, đồng thời cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của lực lượng kháng chiến. Hệ thống tháp canh của thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ đã gây cho lực lượng kháng chiến của ta rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giao liên và tiếp tế lương thực, vũ khí...
Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy khu 7 xác định phải phá hệ thống tháp canh của giặc Pháp, đánh bại chiến thuật De Latour là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông nói chung và Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng khi đó vũ khí, trang bị của ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh, nên nhiệm vụ phá tháp canh tưởng chừng như không thể. Trước tình hình đó, Huyện đội Tân Uyên chỉ thị cho Tổ trưởng tổ tác chiến là đồng chí Trần Công An (Trần Văn Kìa, hay còn gọi Hai Cà), phải cùng với du kích huyện và xã tìm cách đánh phá tháp canh bót cầu Bà Kiên trên lộ 16, ấp Mỹ Chánh, xã Phước Thành (nay là phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên).
Với quyết tâm phải đánh thắng trận đầu, mở đường cho phong trào diệt tháp canh của địch về sau, ông Trần Công An cho toàn đội du kích của mình khổ luyện, đặc biệt là những người sẽ trực tiếp tham gia trận đánh. Ông đưa tổ “đặc nhiệm” chuẩn bị trận đánh vào sâu trong rừng, dựng một tháp canh giả bằng kích thước của tháp canh thật rồi tổ chức thực tập trận đánh. Một du kích giả làm lính Pháp trèo lên ngọn “tháp canh” cầm đèn pin rọi xung quanh để canh gác tháp. Các du kích còn lại cởi trần, dùng bùn non bôi khắp người hóa trang rồi bí mật bò vào chân tháp dùng thang tre dựng cặp tường tháp để leo lên ném lựu đạn vào bên trong tháp. Tập đến khi người ngồi trên “tháp canh”, rọi đèn không phát hiện được người bên dưới mới thôi. Để cho trận đánh chắc thắng, ông Trần Công An còn nhiều lần đi điều nghiên hệ thống bố phòng ở tháp canh cầu Bà Kiên để chỉnh sửa phương án tác chiến và cho đội du kích thực tập cách đánh đến khi thật nhuần nhuyễn. Khi thấy không còn sai sót gì, ông báo cáo cấp trên xin lệnh đánh tháp canh cầu Bà Kiên.
Đêm 18 rạng sáng 19-3- 1948, ông Trần Công An chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường. Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Trần Công An ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Trần Công An còn “tặng” cho chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt chục tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên đã gây tiếng vang lớn, khai sinh ra cách đánh bí mật, chớp nhoáng tiêu diệt sinh lực địch.
“Nở hoa trong lòng địch”
Bước sang năm 1950, ta chẳng những đánh dấu một bước tiến mới về công tác xây dựng Đảng mà còn có thêm sự thành công trong chiến thuật đánh phá hàng loạt các tháp canh, phá âm mưu chia cắt chiến trường của địch. Khu 7 phát động chiến dịch mùa xuân nhằm thực hiện tiến công sâu vào vùng địch buộc chúng rút lực lượng về đối phó; đồng thời đưa mìn FT ra sử dụng đồng loạt nhằm phá vỡ hệ thống tháp canh của giặc trên chiến trường Thủ Dầu Một - Tân Uyên. Đêm 21 rạng sáng ngày 22-3-1950, 50 tổ chiến đấu mang 50 trái FT và bình điện đánh đồng loạt 50 tháp canh trên các tuyến đường giao thông. Toàn bộ quân địch trong 50 tháp canh bị diệt, trừ một vài tên sống sót trên tháp canh có chòi cao. Tuy ta tiêu diệt được hàng loạt tháp canh nhưng đối với ta chỉ mới đạt được một nửa kết quả. Bởi ta diệt được địch nhưng không thu được vũ khí và phá hủy tháp canh. Qua nghiên cứu thực tế, ta thấy ngoài FT cần phải bổ sung thêm vũ khí pê-ta mới phá sập được tháp canh, diệt hết những tên sống sót. Để thử nghiệm, ngày 18-4-1950, tổ du kích do ông Trần Công An và Bùi Cát Vũ chỉ huy dùng FT1 và FT2 đánh tháp canh mẹ ở cầu Bà Kiên lần thứ 2 và 1 tháp nhỏ bên cạnh. Lần này, ta phá hủy cả 2 tháp canh, thu 24 súng. Thành công của FT1 và FT2 bước đầu làm cơ sở hình thành cách đánh mới, có hiệu quả trong tấn công đồn bót và các căn cứ kho tàng của địch.
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Tháng 7-1950, Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết định mở Chiến dịch Bến Cát để phối hợp với chiến trường chính. Mục đích của Chiến dịch Bến Cát được đặt ra là cắt đứt giao thông đường số 7 và phần đường 14 để mở rộng căn cứ, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong khu, tạo đà thắng lợi, xây dựng lòng tin trong quân và dân toàn quân khu; đồng thời chia lửa với Chiến dịch Biên giới. Đêm ngày 7, rạng ngày 8-10-1950, ta bắt đầu nổ súng mở màn Chiến dịch Bến Cát. Sau 3 đợt tấn công, 38 ngày chiến đấu, chiến dịch Bến Cát kết thúc thắng lợi. Đặc biệt, đợt 3 của Chiến dịch Bến Cát nổi bật với trận đánh đặc công làm vỡ nòng pháo 105 ly giữa đồn Rạch Kiến đêm 8-11-1950. Trận đánh chỉ có 2 người, chủ công là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 302 và đồng chí Việt hỗ trợ đã vượt hàng rào kẽm gai, hệ thống đèn pha, tường và chó tuần tra của Pháp. Trận đánh tuy nhỏ nhưng đặc sắc, mở ra khả năng mới trong quá trình hoàn chỉnh chiến thuật đánh tháp canh mà Khu 7 đang nghiên cứu, đó là bí mật tiềm nhập: “Xem tận mắt, sờ tận tay” mục tiêu, “Nở hoa trong lòng địch”, một khắc họa ban đầu về chiến thuật binh chủng đặc biệt tinh nhuệ sau này được gọi là đặc công, chính thức ra đời ngày 19-3-1967.
Bài 4: Tiểu đoàn Phú Lợi oai hùng
THU THẢO