Theo Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, hiện tại đã xác định được 39 loài sinh vật (SV) chứa độc tố có khả năng gây chết người tại biển Việt Nam, bao gồm 1 loài mực tuộc, 2 loài ốc cối, 3 loài cua hạt, 1 loài sam, 22 loài cá và 10 loài rắn biển. Đa số chúng là những loài có phân bố rộng, từ vịnh Bắc bộ đến vịnh Thái Lan như cá nóc, cá bống vân mây, so và rắn biển, một vài loài mực đốm xanh...
Phần lớn các trường hợp ngộ độc là do con người thiếu hiểu biết về các SV độc hại này nên đã sử dụng chúng làm thức ăn. Bản chất các độc tố chứa trong các loài SV này thuộc nhóm độc thần kinh và đa số là những chất độc nguy hiểm, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh não bộ, hệ tim mạch, gây tỷ lệ tử vong cao trong thời gian tác động nhanh với liều độc thấp. Cần lưu ý rằng tuy trứng và gan cá là những nơi có độc tính cao nhất, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, cơ (thịt cá) hoặc da cá là cơ quan tập trung độc tố cao hơn cả (trong khi thông thường các cơ quan này vẫn được xem là ít độc nhất). Vì thế, tuyệt đối không được sử dụng những loài cá này để làm thực phẩm, dù chỉ lấy phần thịt cá.
Một số lưu ý cần biết: Cá bống vân mây được xếp vào nhóm SV tập trung độc tố ở da. Khi ăn cá bống, cần loại trừ những con cá có hình dáng nghi ngờ giống cá bống vân mây (có những vân trên lưng như vân mây) để tránh bị tử vong đáng tiếc do thiếu thông tin hiểu biết về loại cá độc hại và nguy hiểm này. Tất cả các bộ phận cơ thể khác nhau của loài cua hạt, mực đốm xanh, so đều chứa độc tố. Do đó, tuyệt đối không được sử dụng chúng làm thức ăn dù dưới bất kỳ hình thức chế biến nào. Cần thận trọng, cảnh giác đối với những loài ốc độc, rắn biển và mực đốm xanh, không nên đụng chạm hoặc sờ mó chúng. Khi lặn biển nên mặc đồ bảo hộ, tránh để bị chúng cắn, chích để không bị nguy hiểm đến tính mạng.
M.TÂM