Người xưa đun sôi xương ngón chân của nai khổng lồ để làm mềm, sau đó khắc các đường thẳng và xếp theo hình chữ V một cách nghệ thuật.
Xương ngón chân của nai khổng lồ được khắc nhiều đường thẳng. Ảnh: V. Minkus.
Người Neanderthal, họ hàng cổ xưa của người tinh khôn ngày nay (Homo sapiens), thường được cho là chỉ dùng cơ bắp thay vì trí tuệ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution hôm 5/7 cho thấy, điều này không chính xác. Giống như Homo sapiens, người Neanderthal đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật từ hàng chục nghìn năm trước, nghĩa là họ có suy nghĩ trừu tượng và hành vi phức tạp.
Các nhà nghiên cứu tìm ra tác phẩm nghệ thuật này ở hang Einhornhohle, miền bắc nước Đức. Đó là một mẩu xương ngón chân của nai khổng lồ (Megaloceros giganteus) với những vết chạm khắc. Kỹ thuật định tuổi bằng đồng vị carbon chỉ ra, nó tồn tại từ cách đây ít nhất 51.000 năm.
Mẩu xương chỉ có những đường khắc thẳng được sắp xếp một cách nghệ thuật theo hình chữ V. Dù không giống một kiệt tác thời tiền sử, việc tạo ra một vật dụng như vậy cũng đòi hỏi trí tưởng tượng và khả năng nhận thức cao. Tinh tinh, họ hàng gần nhất còn sống của con người, cũng chưa thực hiện loại hành vi này.
Người Neanderthal dường như còn sử dụng một số kỹ năng phức tạp để chạm khắc xương nai. Quá trình phân tích dưới kính hiển vi và thực hiện thí nghiệm trên các bản mô phỏng cho thấy xương nai được đun sôi để làm mềm trước khi khắc. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, có rất ít nai khổng lồ sống ở phía bắc dãy Alps cách đây 51.000 năm, nghĩa là vật dụng này có thể mang ý nghĩa đặc biệt.
Nhóm chuyên gia chưa rõ kỹ năng nghệ thuật của người Neanderthal và Homo sapiens tiến hóa song song hay do quá trình chia sẻ kiến thức giữa họ hàng gần. Tuy nhiên, chắc chắn người Neanderthal vẫn sở hữu một bộ não tuyệt vời với khả năng thực hiện các hành vi phức tạp, có lẽ không quá khác biệt với người tinh khôn.
Theo VNE