Các nhà khoa học hôm 15/9 xác nhận Mặt Trời đã bắt đầu chu kỳ hoạt động mới và có thể kéo dài 11 năm giống các chu kỳ trước.
Chù kỳ Mặt Trời là thuật ngữ chỉ sự thay đổi định kỳ về số lượng các vết đen trên bề mặt Mặt Trời. Trong đó, khoảng thời gian ngôi sao tĩnh lặng nhất, tức có ít vết đen nhất, được gọi là giai đoạn cực tiểu và ngược lại, giai đoạn cực đại chỉ thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh nhất, tức có nhiều vết đen nhất.
Mỗi chu kỳ Mặt Trời có thời gian trung bình khoảng 11 năm, kéo dài từ giai đoạn cực tiểu này đến giai đoạn cực tiểu tiếp theo. Trong một báo cáo mới của Ban dự đoán Chu kỳ Mặt Trời (SCPP), các nhà nghiên cứu xác nhận ngôi sao của chúng ta đã chính thức bước vào chu kỳ hoạt động mới, được gọi là Chu kỳ Mặt Trời 25 hay Solar Cycle 25.
Hình ảnh so sánh Mặt Trời cực đại (tháng 4/2014) và Mặt Trời cực tiểu (tháng 12/2019). Ảnh: NASA.
Theo SCPP, chu kỳ mới đã bắt đầu từ tháng 12/2019. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để tính toán và xác nhận điều này nên tin tức mới được công bố vào hôm qua. Chu kỳ 25 được dự đoán là rất giống với chu kỳ trước. Theo đó, nó sẽ kéo dài 11 năm và đạt "cực đại" vào tháng 7/2025. Mặt Trời khi đó có thể xảy ra hiện tượng chói sáng và xuất hiện các vụ phun trào của bão Mặt Trời.
Trong giai đoạn cực đại, ngôi sao của chúng ta đạt số lượng vết đen trung bình cao hơn 200. Tuy nhiên, con số này ở Chu kỳ 25 ước tính chỉ là 115. Nhà vật lý năng lượng Mặt Trời Doug Biesecker, đồng chủ tịch SCPP, nhấn mạnh đây là chu kỳ yếu nhất trong 100 năm qua và là chu kỳ yếu thứ 4 từng được ghi nhận.
Sự khác biệt về số lượng các vết đen trên bề mặt Mặt Trời giữa hai giai đoạn. Ảnh: NASA.
Vết đen của Mặt Trời là dấu hiệu khởi đầu cho các vụ nổ và sự kiện giải phóng ánh sáng, vật chất và năng lượng vào không gian. Trong hơn một năm rưỡi qua, ngôi sao của chúng ta đã trải qua một thời kỳ yên ắng với hầu như không có vết đen nào trên bề mặt.
Việc hiểu rõ chu kỳ hoạt động của Mặt Trời sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán thời tiết không gian, cũng như tác động của nó đến hệ thống lưới điện, hàng không, GPS, tên lửa, vệ tinh và phi hành gia trong không gian, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại.
Theo VNE