Chiến tranh đã lùi xa, tiếng bom đạn không còn nữa, nhưng những người thân yêu của mẹ đã ra đi và mãi mãi nằm trong lòng đất. Đó là nỗi niềm của mẹ Nguyễn Thị Mỵ (ngụ khu phố 4, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát) có chồng, con hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Mẹ Mỵ khoe di ảnh của chồng và kể chuyện về gia đình với cán bộ phường Thới Hòa
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy ắp tình yêu thương của con cháu, mẹ Mỵ đã kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm đầy tự hào của gia đình mẹ. 89 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút nhưng dường như căn bệnh tai biến khiến mẹ liệt nửa người bên trái không làm giảm đi sự minh mẫn vốn có của mẹ Mỵ. Những câu chuyện mẹ kể, những lời thăm hỏi của mẹ vẫn mạch lạc, tình cảm và thật sự thuyết phục chúng tôi.
Mẹ Mỵ sinh ra và lớn lên ở ấp Xóm Mới xã Thới Hòa (nay là phường Thới Hòa, TX.Bến Cát). Thời còn son trẻ, mẹ Mỵ là tổ trưởng rất tích cực với công tác nữ thanh ở xã Thới Hòa. Không chỉ vậy mẹ còn âm thầm tiếp tế lương thực, đạn dược cho các chiến sĩ bộ đội trong rừng.
Trong lúc hoạt động cách mạng ở quê nhà, mẹ kết duyên cùng ông Ung Văn Xe (SN 1915), một cán bộ nông hội của xã. Với tính tình hiền lành và nhân hậu, ông Xe đã tìm hiểu hoàn cảnh người dân và chia đất cho những ai nghèo khó có đất để lao động sản xuất. Tình nghi ông Xe là Việt cộng nên địch bắt giam ông 16 tháng. Sau khi được trả tự do, ông Xe đã tìm cách móc nối với cách mạng để được gia nhập vào hàng ngũ của quân đội Việt Nam, một lòng một dạ chiến đấu trả thù bọn cướp nước, dày xéo quê hương.
Trong những năm kháng chiến vì độc lập dân tộc, người con trai lớn của mẹ là anh Ung Văn Tý (SN 1943) cũng tập tành theo du kích xã hoạt động khi mới 13 tuổi. Năm anh Tý tròn 17 tuổi, một lần nữa mẹ Mỵ tiễn con lên đường nhập ngũ. Tháng 7-1967, trong lúc cùng đồng đội đánh vào căn cứ của Mỹ ở Đồng Dù (Tây Ninh), anh Tý đã anh dũng hy sinh.
Khi hay tin đứa con trai gan dạ, kiên cường của mình mất, lòng mẹ Mỵ đau đớn vô cùng, nhưng mẹ nghĩ “chiến tranh mà, phải chấp nhận thôi”. Trong ký ức của mẹ, trước khi trở thành chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, anh Tý vẫn là đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, biết đỡ đần mẹ trong công việc gia đình. Rồi mắt mẹ lại trong ngần sáng lên một niềm tin, phải tích cực giúp đỡ cách mạng nhiều hơn nữa để giải phóng quê hương.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ thực thi nhiều kế sách nham hiểm, chúng dồn dân lập ấp chiến lược. Trước tình hình đó, chồng mẹ là ông Ung Văn Xe đã kéo bộ đội về làng, vận động bà con trở về nhà tiếp tục lao động sản xuất. Tháng 8-1972, trong lúc đang canh giữ trên nắp hầm căn cứ bí mật, ông Xe bị đạn pháo của địch bắn chết. Biết tin chồng hy sinh, nhưng mẹ Mỵ chỉ biết đứng nhìn mà nuốt nước mắt vào lòng. Người dân thương tình đã lén đem xác ông Xe chôn cất. Sau giải phóng, hài cốt của ông được di dời về Nghĩa trang liệt sĩ Bến Cát. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau khiến mẹ mỗi khi nhớ lại là mỗi lần xót dạ và vẫn vững tin vào lý tưởng của Đảng, vẫn cố gắng làm lụng nuôi các con còn lại lớn khôn, âm thầm tiếp tế lương thực cho bộ đội.
Mẹ Mỵ tâm sự: “Bây giờ mỗi khi nhớ đến chồng, con mẹ vẫn thấy đau lòng, nhưng thời kỳ chiến tranh, chung quanh bao người mẹ khác cũng có người thân hy sinh như mình, lại hy sinh vì chính nghĩa, bản thân mẹ phải tự cố gắng an ủi. Mừng là sự hy sinh của chồng, con không hề vô nghĩa, ngày hôm nay chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã được hưởng thanh bình”. Trò chuyện mẹ Mỵ, chúng tôi càng thấy khâm phục về đức tính kiên trung của mẹ, bởi trong những trận đánh, nhiều lần mẹ bị địch bắt bớ nhưng mẹ vẫn mưu trí không khai và chúng đành phải trả tự do cho mẹ. Không chỉ vậy, mẹ không hề lo sợ mà sẵn sàng nuôi giấu bộ đội, thường xuyên tiếp tế lương thực cho các anh, để có đủ sức khỏe chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, trong cuộc sống thường ngày, mẹ Mỵ luôn nêu gương, giáo dục con cháu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa và sống chan hòa với mọi người. Mẹ Mỵ là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, gia đình mẹ được địa phương công nhận danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
Được Nhà nước vừa phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không chỉ là vinh dự cho bản thân mẹ Nguyễn Thị Mỵ mà còn là niềm tự hào cho cả gia đình - đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những công lao, đóng góp của mẹ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. “Hồi xưa, mẹ làm tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nước, không hề nghĩ sẽ được khen thưởng. Nay được Nhà nước quan tâm và phong tặng danh hiệu cao quý, mẹ mừng, cảm thấy vinh dự lắm”, mẹ Mỵ bày tỏ.
MINH HIẾU