Nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tiến đến loại trừ tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chỉ đạo triển khai tháng cao điểm chiến dịch phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào tháng 6 hàng năm. Mục tiêu của tháng cao điểm chiến dịch phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện trên phạm vi toàn quốc...
Bé có HIV hay không đều được chăm sóc sức khỏe chu đáo Tại Bình Dương, ngành y tế cũng như các ngành chức năng triển khai nhiều dịch vụ chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con một cách toàn diện: bao gồm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV, cung cấp sữa cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đến 18 tháng tuổi; giới thiệu chuyển tiếp những phụ nữ, trẻ em nhiễm và có nguy cơ nhiễm HIV đến các dịch vụ phù hợp về dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS. Đặc biệt, tại BVĐK tỉnh đã khép kín quy trình đón nhận, điều trị cho mẹ và bé có “H” (nhiễm HIV/AIDS).
BVĐK Bình Dương đã có mô hình cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trọn gói tại khoa sản của bệnh viện. Hơn nửa năm qua, đã có hơn 5.354 thai phụ đến khám thai và xét nghiệm HIV/AIDS; 23 thai phụ có HIV được điều trị, chăm sóc. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Thị Hòa, Trưởng khoa sản cho biết: “Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con không chỉ vì mục đích nhân đạo mà còn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con. Để có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, các thai phụ, sản phụ được tư vấn rất kỹ lưỡng và được điều trị sớm”.
Sau đó, các bà mẹ có “H” đã được thu dung điều trị tại phòng khám ngoại trú, tại khoa nhiễm của bệnh viện. Riêng các bé có “H” có phòng khám điều trị Nhi riêng và được phát sữa miễn phí cho đến 18 tháng tuổi (Dự án Life Gap). Hiện tại có 100 bé từ 2 tháng tuổi đến 10 tuổi được chương trình thu dung điều trị tại đây. Các bé được các bác sĩ, điều dưỡng khám, lấy máu xét nghiệm và được cấp thuốc ARV; riêng các bé dưới 18 tháng tuổi còn được chương trình cấp phát sữa miễn phí. Sau điều trị dự phòng và cắt nguồn sữa mẹ, nếu xét nghiệm khẳng định (-) thì bé may mắn không bị nhiễm “H” và được đưa ra khỏi chương trình. Còn các em lớn, đã xét nghiệm khẳng định, thì phải chấp nhận điều trị suốt đời. Hàng tháng các em được cha mẹ dắt đến nhận thuốc ARV. Lịch khám điều trị của phòng khám ngoại trú Nhi là vào sáng thứ tư mỗi tuần, có ngày số bé rất đông 20 - 30 bé, mỗi bé là một hoàn cảnh.
Mỗi khi đến lịch tái khám, người ta thấy một ông già lụm cụm dắt cháu bé 10 tuổi đến khám và nhận thuốc. Ông cho biết: “Mẹ cháu đã đi lấy chồng khác. Cháu đang sống với ông nội. Ba nó bị bệnh AIDS vừa qua đời, tuổi già chúng tôi giờ phải lo tới cháu nội đang mang “H” trong người”.
M.H, 26 tuổi cho biết: “Con trai em sinh đã được 2 tháng, bé bị nhiễm “H” từ mẹ, nên được thu dung điều trị và nhận sữa hộp Nuti Food của chương trình. Nghe cán bộ y tế nói con trai em vẫn còn hy vọng nhờ vợ chồng em tuân thủ việc cắt nguồn sữa mẹ và điều trị dự phòng sớm”...
Còn khi các bé có “H” mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, thì khoa Nhi sẵn sàng tiếp nhận điều trị.
Đến hết quý I-2011, toàn tỉnh Bình Dương có 7.061 người nhiễm HIV/AIDS (trong đó có 2.765 người là người Bình Dương). Trong số đó có 749 người được quản lý điều trị. Tuy tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS/100.000 dân của tỉnh thấp hơn so với tỷ lệ nhiễm chung của cả nước nhưng tốc độ lây truyền rất nhanh ở đường lây truyền mẹ sang con: 1,6%, ở cả những nhóm có nguy cơ thấp (thai phụ...), nên theo như bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AISD Bình Dương: “Suốt 365 ngày trong năm đều là ngày cao điểm phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Và không chỉ ngành y tế mà toàn xã hội hãy tích cực phòng chống HIV/AIDS; đặc biệt là mỗi người hãy tự phòng chống HIV/AIDS cho bản thân và con cái mình”.
BẢO ANH