Microsoft bất ngờ tuyên bố sẽ thâu tóm bộ phận thiết bị phần cứng và dịch vụ, trong đó có điện thoại di động, của hãng Phần Lan với giá 5,44 tỷ euro, tương đương 7,2 tỷ USD.
Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu 2014 và được sự ủng hộ của cổ đông Nokia. Con số 7,2 tỷ USD (bao gồm cả 2,1 tỷ USD cho các bằng sáng chế) không phải là mức giá cao nhất mà Microsoft đầu tư cho một vụ mua bán. Hãng này từng chi tới hơn 8 tỷ USD để mua lại Skype.
"Đây là một bước đi quan trọng để hướng đến tương lai, mang lại lợi ích cho toàn bộ nhân viên, cổ đông và khách hàng của cả hai công ty", Steve Ballmer, CEO sắp thoái vị của Microsoft, khẳng định.
Nokia và Microsoft đã hợp tác để đưa hệ điều hành Windows Phone lên các sản phẩm thuộc dòng Lumia của Nokia từ năm 2011. Stephen Elop, CEO của Nokia, trước đây cũng là một lãnh đạo cao cấp của tập đoàn phần mềm Mỹ. Do đó, ngay khi Elop đến công ty Phần Lan, nhiều tin đồn xuất hiện rằng nhân vật này chỉ sang đây để tìm hiểu và "định giá" Nokia. Giới công nghệ cũng không ngừng bàn tán rằng Microsoft một mặt bắt tay Nokia, một mặt chờ công ty này suy yếu để có thể thâu tóm với mức giá rẻ nhất.
Ngay từ tháng 6, báo Wall Street Journal đã đưa tin rằng Microsoft "suýt mua lại được bộ phận điện thoại của Nokia". Ngày 23/8, Steve Ballmer, CEO Microsoft, thông báo nghỉ hưu trong vòng 12 tháng tới. Một số nhà phân tích tin rằng tập đoàn phần mềm số một thế giới đang dọn đường đón Stephen Elop trở lại và đưa lên làm Tổng giám đốc.
Dự đoán này có thể thành sự thật khi Nokia vừa tuyên bố Elop không còn là CEO của hãng này và hiện đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch phụ trách bộ phận thiết bị - dịch vụ và sẽ về Microsoft sau khi vụ sáp nhập kết thúc.
Chủ tịch Nokia Risto Siilasmaa sẽ tạm thời giữ chức Tổng giám đốc hãng Phần Lan trong khi một loạt tướng lĩnh như Jo Harlow, Chris Weber, Juha Putkiranta, Timo Toikkanen cùng 32.000 nhân viên (trong đó có 18.300 người làm việc trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất) sẽ theo chân Elop về Microsoft.
Tính đến cuối năm 2012, Nokia có tổng cộng 101.982 nhân viên tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh việc sản xuất điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác, Nokia còn cung cấp các dịch vụ như ứng dụng, game, nhạc, tin nhắn, bản đồ số... Ngoài ra, Nokia cũng sở hữu công ty con chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ mạng viễn thông. Với việc bộ phận thiết bị về tay Microsoft, Nokia giờ chỉ còn là một công ty khá nhỏ, tập trung vào ba mảng chính là NSN (cơ sở hạ tầng mạng), HERE (bản đồ), nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến Advanced Technologies.
(Theo VNE)