Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.
Toàn bộ quy trình sản xuất thức ăn cho đàn heo đều được anh Trần Đình Hiển thực hiện, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn heo Anh Trần Đình Hiển cho biết, năm 2008, qua tìm hiểu từ những người chăn nuôi heo và các tài liệu hướng dẫn, anh nhận thấy mô hình nuôi heo trại lạnh là một mô hình chăn nuôi khả quan, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo, nên quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại theo hướng nuôi heo trại lạnh. Ban đầu, anh xây dựng 4 dãy chuồng, quy mô 600 con, bao gồm 100 heo nái, 2 heo nọc và 500 heo thịt. Anh Hiển cho biết, nuôi heo theo mô hình trại lạnh giúp vật nuôi sạch bệnh bởi được thực hiện theo quy trình khép kín. Quy trình này được anh thực hiện như sau: Sau khi heo mẹ sinh sản, heo con được ấp trong chuồng lạnh, khoảng 1 tuần sau đưa heo xuống sàn, khoảng 1 tháng sẽ đưa heo xuống nền. Heo từ khi sinh cho đến khi xuất bán khoảng 5 tháng rưỡi đạt trọng lượng khoảng 100kg. Toàn bộ thời gian sinh trưởng của heo được thực hiện theo quy trình khép kín trong nhà lạnh với nhiệt độ luôn ở mức từ 260C đến 280C và được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đúng kỹ thuật.
Anh Hiển cho biết heo con được sinh ra khoảng 15 ngày phải tiêm vắc-xin phòng bệnh “tai xanh”; 20 ngày tiêm vắc-xin chống còi cọc, phòng bệnh hô hấp; 4 tuần tuổi tiêm vắc-xin dịch tả và 5 tuần tuổi tiêm vắc-xin bệnh lở mồm long móng. Vì heo được nuôi theo quy trình khép kín, thêm vào đó anh Hiển lại tự sản xuất thức ăn cho heo nên tỷ lệ hao hụt đàn do bệnh dịch gần như không có. “Sau khi đầu tư chuồng trại, để giảm thiểu tối đa rủi ro dịch bệnh trên đàn heo do thức ăn gây ra, tôi đã quyết định đầu tư mua máy trộn thức ăn cho heo. Mục đích là vừa giảm được chi phí thức ăn, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho heo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là để chủ động kiểm soát đầu vào của thức ăn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn heo. Nguyên liệu sản xuất thức ăn của tôi chủ yếu là bã đậu nành, bột cá, cám gạo và dầu cá. Định kỳ, tôi còn phối trộn thêm thuốc kháng sinh phòng bệnh vào thức ăn cho heo. Nhờ đó, chi phí thức ăn cho đàn heo giảm, chi phí thuốc phòng trị bệnh cho đàn heo cũng giảm rất nhiều so với việc chăn nuôi theo hướng trại hở”, anh Hiển phân tích. Theo anh Hiển, đầu tư trại heo theo hướng trại lạnh mặc dù kinh phí ban đầu khá cao, vào khoảng 2,8 triệu đồng/m2; tuy nhiên đây là hướng đầu tư bền vững, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi. Con heo sinh ra ít dịch bệnh nên nguy cơ người chăn nuôi trắng tay vì dịch bệnh là rất thấp, sản phẩm làm ra là sản phẩm sạch nên được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua.
Nuôi heo trại lạnh mặc dù phải là mô hình mới lạ đối với người chăn nuôi, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại và tính bền vững đối với người chăn nuôi heo luôn là một trong những điều mới lạ mà người chăn nuôi hướng đến. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn heo ngày càng diễn biến phức tạp, thì việc triển khai mô hình nuôi heo trại lạnh là lựa chọn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi heo hiện nay.
Hoài Phương