Nghệ nhân Nguyễn Văn Năm: Trở thành tỷ phú từ 3 triệu đồng

Cập nhật: 04-08-2012 | 00:00:00

Trong danh sách 18 trang trại tiêu biểu được UBND tỉnh trao tặng bằng khen mới đây, nhiều người dành sự ngạc nhiên lớn đối với trang trại vỏn vẹn 4.000m2 của nghệ nhân Nguyễn Văn Năm mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nghề chơi, thu bạc tỷ

Ông Nguyễn Văn Năm được biết nhiều với cái danh hiệu “kỷ lục gia” Việt Nam với danh hiệu “Người đoạt huy chương nhiều nhất trong lĩnh vực sinh vật cảnh” nhưng không ít người sẽ giật mình khi biết ông kiếm tiền khá giỏi từ cái thú chơi tao nhã của mình. Từng là Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Giao thông và dân dụng Thuận An - chuyên đi thi công cầu, đường nhưng cái nghề ấy đối với ông chỉ là “cần câu cơm” qua ngày. Chính ông cũng thừa nhận không ngờ rằng mình lại bỗng dưng trở thành tỷ phú... sinh vật cảnh sau một thời gian dài theo đuổi niềm đam mê không giống ai.

 Ông Nguyễn Văn Nam (phải) trở thành tỷ phú nhờ giỏi làm kinh tế sinh vật cảnh Sau nhiều năm lăn lộn với nghề xây dựng, năm 2000, ông bỗng dưng thèm một nơi yên tĩnh với thật nhiều cỏ cây, hoa lá để nghỉ ngơi, an dưỡng sau những ngày làm việc vất vả. Thèm là làm, ông bắt đầu giấu vợ sưu tầm đủ loại cây kiểng thuộc hàng “phế liệu” về vườn nhà để chơi vui. Bước ngoặt đến với ông cũng thật tình cờ. Năm 1998, ông bỏ 3 triệu đồng đi mua một cây mai vàng. Hai năm sau, trong lần đầu tiên mang cây mai ấy đi thi, mai đoạt giải thật rồi bán được tới 20 triệu đồng - một con số lợi nhuận vượt quá sức tưởng tượng đối với một người kinh doanh như ông. Từ số tiền đó cộng với việc tiết kiệm tiền tiêu vặt, ông mua thêm 20 cây nguyên liệu về cắt, tỉa, tạo dáng... Từ đó, cây của ông liên tục đoạt giải rồi được đem bán đấu giá mang lại lợi nhuận không nhỏ hàng năm.

Với nguồn vốn tái đầu tư từ 50 - 100 triệu đồng từ việc bán cây, ông liên tục đầu tư vào nhà vườn của mình. Số tiền tích lũy ngày càng nhiều, đến năm 2010, khách hàng từ Hà Nội vào mua nhiều đợt với số tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng cho 15 - 20 cây mỗi đợt từ vườn nhà ông. Trong vài năm gần đây, ông bán mỗi năm trung bình 2 đợt cây kiểng lớn, thu lại số tiền hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, bình quân mỗi tháng bán được thêm vài cặp kiểng, bonsai cho khách hàng địa phương và các tỉnh lân cận.

Riêng trong năm 2011, với trang trại chỉ vỏn vẹn 4.000m2 dành cho việc trồng cây kiểng, cây bonsai trị giá lên đến 5 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Năm đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng, mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Con số đáng mơ ước ấy cho thấy ông đã trở thành một tỷ phú thực sự từ nghề tưởng như chơi mà lại mang lại con số lợi nhuận cực lớn.

“Cần phát triển kinh tế sinh vật cảnh”

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Nguyễn Văn Năm, bởi ngày nay trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì việc trang trí, chăm sóc cây cảnh ở gia đình là rất cần thiết giúp con người thư giãn tâm hồn sau những giờ làm việc căng thẳng. Điều này càng trở nên đúng đắn đối với một tỉnh có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh như Bình Dương. Bởi song song với quá trình ấy là việc diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm và việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế bằng sinh vật cảnh là hợp lý.

Ngành cây kiểng bonsai cũng không được tính thành hàng nhập và xuất như những sản phẩm khác. Đa số cây kiểng bonsai tồn đọng lại nhiều trong quá trình mua bán nhưng lại không lỗ lã. Cây càng lâu năm, càng lớn lại càng có giá trị. Ông Năm khẳng định điều này: “Nhìn từ quá trình làm kinh tế sinh vật cảnh của tôi thì thấy. Từ nguồn vốn ban đầu vài triệu đồng, sau quá trình gầy dựng và chơi cây cảnh khoảng 12 năm, tôi đã có trong tay vườn cây 5 tỷ đồng. Việc trồng cây kiểng bonsai cũng không cần diện tích đất lớn, phù hợp với mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị”.

Ông Năm cũng cho biết, dù được xem là mô hình rất phù hợp cho cư dân đô thị và với định hướng phát triển kinh tế đô thị tại Bình Dương nhưng nghề trồng cây kiểng bonsai cũng không dễ làm. Đòi hỏi chung đối với người tham gia lĩnh vực này là phải chịu khó, tâm huyết và phải có vốn đầu tư. Quan trọng nhất, người chơi sinh vật cảnh phải kiên nhẫn và liên tục học hỏi những kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây kiểng bonsai thì mới cho ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Không chỉ nhạy bén trong lĩnh vực sinh vật cảnh, hiện ông Năm còn tăng nguồn thu nhập cho gia đình từ việc... buôn bán gốm cổ. Năm 2010, từ việc được kết nạp trở thành Hội viên của UNESCO Việt Nam, ông Năm bắt đầu được giới thiệu, tìm hiểu về lĩnh vực đồ cổ. Nhận thấy đây là thú chơi không mất nhiều thời gian, lại mang lại lợi nhuận khá lớn, ông mày mò, tìm hiểu thêm và sưu tầm ngày càng nhiều cổ vật. Sinh ra và lớn lên ở đất gốm nên ông cũng chuyên về gốm cổ. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng tại phường An Thạnh, TX.Thuận An, ông vui vẻ khoe hơn 800 cổ vật. Có cặp voi bằng gốm đã được khách tại TP.HCM chốt giá 40 triệu đồng chờ ngày giao nhận.

MINH KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=951
Quay lên trên