Đi lên từ gian khó
Đã 55 tuổi nhưng ông Hai Long còn rất nhanh nhẹn trong việc chăm sóc vườn cây, gặp chúng tôi khi đang phun thuốc trị nấm cho cây cao su, với ngôn từ chất phác, ông tâm sự: “Làm nông dân quen rồi, bây giờ mà ngồi không thì chịu không nổi, làm cho đỡ ngứa ngáy tay chân và để mình có thể theo dõi kỹ hơn vườn cây”.
Ông Hai Long bên chiếc máy phun thuốc trị bệnh nấm cây cao su
Vốn quê gốc ở Tiền Giang, năm 1990, Hai Long nghe theo lời của người anh, ông để vợ con ở quê nhà và đến Lai Uyên (Bến Cát) mua đất xây dựng trang trại. Bỏ hết vốn liếng và vay mượn thêm ông mua được 15 ha đất. Ông cho biết, lúc này Lai Uyên vẫn còn là vùng đất hoang sơ, công cuộc khai hoang đối với ông gặp rất nhiều khó khăn. Cũng như nhiều người khác vào lúc bấy giờ, ông vẫn chưa biết nên chọn loại cây trồng nào cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại nơi này và có thể cho hiệu quả kinh tế lâu dài. Sau khi suy tính, ông quyết định chọn trồng 2 loại cây thịnh hành lúc bấy giờ là nhãn và xoài. Sau một thời gian trồng cây ăn trái, nghe nhiều người rỉ tai ông bắt đầu chuyển qua trồng cao su. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trồng theo phong trào chứ chưa biết chắc đây có phải là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế hay không nên ông cũng chỉ dám trồng một nửa diện tích, còn một nửa ông vẫn trồng “phòng thủ” cây ăn trái. Vốn là dân cơ khí chuyển qua làm nông, chưa có nhiều kiến thức về nông nghiệp, nhất là với cây cao su nên ông rất “nhiệt tình” tham dự các lớp tập huấn. Tập trung mọi công sức và hy vọng vào cao su cuối cùng ông cũng đã nhận được thành quả khi cây cao su cho mủ. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi, đến khi khai thác ông lại thất bại vì mủ cao su mất giá (giá mủ cao su vào thời điểm năm 1997-1998 chỉ còn khoảng trên 40 đồng/độ). Thời điểm đó nhiều người trồng cao su đã phải cưa bỏ vườn cây, phải bán đất để trả tiền vay... khiến cho ông không khỏi băn khoăn. Nhưng với lòng quyết tâm ông đã quyết giữ đất, giữ vườn, vay mượn tiền của anh em để trả tiền ngân hàng cũng như có vốn để chăm sóc vườn cây. Từ năm 2006, ông chuyển hẳn qua trồng cao su, đến nay ông đã có khoảng 25 ha cao su đang trong độ tuổi khai thác. Hàng năm, ông Hai Long thu về hơn 1 tỷ đồng từ cao su và giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên.
Máy công cụ “made by hai lúa”
Ngay từ những ngày đầu khi mới hình thành trang trại ông đã nghĩ đến việc cơ khí hóa trong sản xuất. Do đó, thiết kế các đường đi, các khu trong trang trại cũng được ông tính toán để dễ dàng, thuận tiện cho việc di chuyển của máy móc. Với vốn kiến thức về cơ khí có sẵn, ông luôn nghĩ đến việc sáng chế các máy móc để đạt hiệu quả cao hơn.
Năm 2005, trong khi nhiều nơi vẫn phải dùng chổi để quét lá cao su hay sử dụng máy phát cỏ để thổi lá cao su thì ông đã sáng chế ra được máy thổi lá cao su chống cháy với khả năng thổi được 20 ha cao su/ngày, năng suất gấp 10 lần so với cách làm thông thường. Sau đó, ông lại nghĩ đến việc sáng chế ra máy rải phân tự động phục vụ hàng chục ha cao su trong khi nhân công thiếu. Qua “mày mò”, năm 2007, ông bắt đầu cho ra đời chiếc máy rải phân cao su với công suất 20 ha cao su/ngày, cao hơn 10 lần so với cách làm thủ công. Khi chưa có máy ông chỉ có thể bón phân 2 lần/năm nhưng sau khi đã có máy ông chia ra làm 4 đợt và công việc lại rất nhẹ nhàng. Máy rải phân cao su của ông làm việc bất chấp nắng mưa, rải phân theo đúng nhu cầu của chủ vườn; phân được trộn đều hơn và được rải với độ đồng đều, chính xác cao hơn, dễ kiểm soát hơn so với cách rải phân thủ công.
Trong các sáng kiến thì ông ưng ý nhất là máy phun thuốc trị bệnh nấm cây cao su. Năm 2010, nhiều vườn cao su tại Bình Dương bị nấm Corynespora tàn phá dữ dội và vườn cây của ông cũng không ngoại lệ. Thấy nhiều người thực hiện phun xịt bằng vòi thông thường không hiệu quả, lại vất vả nên ông đã sáng chế ra ngay máy phun thuốc cây cao su. Máy phun thuốc của ông chỉ cần một người điều khiển và có thể phun lên cao trên 20m. Một ngày ông có thể phun được từ 15 - 20 ha cao su. So với các cách phun khác, máy phun thuốc của ông hiệu quả hơn rất nhiều do thuốc được phun mịn hơn và đều hơn. Tuy nhiên, chiếc máy đời đầu này ông vẫn chưa ưng ý lắm và ông lại tiếp tục cải tiến theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Từ loại ống phun giữa lô cao su đến ống phun nghiêng vào thân cây, đến nay ông đã sáng chế ra ống phun có thể di chuyển ngang rất hiệu quả và có thể phun trên nhiều loại cây trồng khác nhau, vừa phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và tưới phân nước.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến ông học hỏi cách sáng chế máy móc. “Từ khi có cái máy này tôi rất vui vì đã giúp được cho nhiều người có cùng hoàn cảnh như tôi. Có hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến để hỏi về máy phun thuốc cây cao su và tôi luôn sẵn sàng chia sẻ”, ông Long nói. Vừa rồi có một đơn vị quân đội tại Tây nguyên đặt hàng 3 loại máy phun thuốc cây cao su và ông đã đích thân đến để huấn luyện cho đơn vị này về cách thức vận hành máy. Để có được những sáng kiến như hiện nay ông đã phải trải qua không ít những lần thất bại khiến ông tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng với quyết tâm làm cho bằng được ông đã khắc phục khó khăn và gặt hái thành công. Sáng kiến về chiếc máy phun thuốc trị bệnh cây cao su của ông đã nhận được giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2011.
“Làm nông nghiệp cũng cần phải có tâm huyết và ý chí kiên định...”
Làm nông nghiệp cũng rất bấp bênh, thiệt hại với nông dân luôn thường trực vì vậy các chủ trang trại cũng cần phải gắn bó sống chết với ruộng vườn mới mong có kết quả. Làm trang trại trong giai đoạn hiện nay rất cần có tâm huyết và có ý chí kiên định. Những người muốn làm trang trại cần lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng loại đất; cần tính toán đến khả năng kinh tế và năng lực bản thân để đầu tư cho hợp lý; nên sản xuất theo mô hình khép kín và sản xuất theo nhu cầu của thị trường để đạt hiệu quả cao.
Nhà nước nên hình thành các vùng chuyên canh; tập huấn đầy đủ cho nông dân, chủ trang trại cách chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, cách sản xuất hiệu quả để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Người nông dân cũng cần cập nhật thường xuyên thông tin thị trường để có phương án sản xuất hiệu quả; nên thành lập các câu lạc bộ trang trại để mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm; nên tập huấn cho các trang trại sản xuất theo các mô hình VietGAp, GlobalGAP...; chú ý xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các trang trại, ông Hai Long chia sẻ.
CAO SƠN