“Anh lính Cụ Hồ” làm nông dân
Nói về ông Lương Văn Song, ông Phạm Thanh Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hòa cho biết: “Ông Song từng là một người lính Cụ Hồ tích cực hoạt động trong kháng chiến, đến khi hòa bình thì ông lại là một người nông dân tích cực trong sản xuất. Cách ông làm đã mang lại thành công cho gia đình và cũng là tấm gương để nhiều người học tập”. Sau khi thống nhất đất nước, ông rời quân ngũ trở về quê hương sinh sống. Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại không có điều kiện phát triển ngành nghề nào khác, nhận thấy điều kiện ở đây thích hợp với trồng trọt và chăn nuôi, ông tiến hành làm giàu từ nông nghiệp.
Ông Song bên vườn cao su gia đình. Vào năm 1985, với 2 ha đất rừng do khai phá và được anh em trong đơn vị cũ sang nhượng lại, ông Song bắt đầu hành trình làm giàu. Ông tự khai hóa thêm đất rừng và vay vốn của anh em trong gia đình để mua thêm 11 ha đất trồng trọt. Thời gian đầu, ông Song trồng đủ các loại cây lương thực ngắn ngày như lúa, đậu, ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao, chỉ đủ sống nên ông chuyển dần sang trồng và khai thác cây công nghiệp như điều, mía. Vào thời điểm này, ông Song có được 7 ha điều và 4 ha mía, mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng cây lương thực. Vừa đẩy mạnh trồng trọt, ông vừa kết hợp với chăn nuôi heo và bò. Trang trại của ông với khoảng 30 con bò, hơn 10 con heo nái để bán heo con giống và sản xuất gần 100 con heo thịt đã mang lại cho gia đình ông một nguồn thu đáng kể. Trừ tất cả chi phí thì trồng trọt và chăn nuôi mang về cho ông một năm khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Gắn bó lâu dài với cao su
Được một thời gian, nhận thấy mía, điều không thể mang lại hiệu quả lâu dài được, chăn nuôi thì gặp nhiều dịch bệnh nên ông tìm cách phát triển sang trồng và khai thác cây công nghiệp lâu năm. Nhận thấy cây cao su (CS) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao với điều kiện tự nhiên ở đây thuận lợi, ông quyết định dần chuyển mô hình kinh tế hiện tại sang phát triển cây CS. Lúc mới trồng CS, ông cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chọn giống, cách chăm sóc và nhất là gặp khó khăn về thời tiết gây ảnh hưởng đến năng suất. Nhưng được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã về chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, ông Song dần dần khắc phục được những khó khăn và áp dụng những điểm tiến bộ vào mô hình kinh tế của mình.
Giờ đây, ông có trong tay 21 ha CS với 10 ha đang trong tuổi mới khai thác và gần 11 ha CS được 3 năm tuổi. Hiện tại, ông đang tiến hàng trồng mới 2.000 cây CS trên mảnh đất vừa cải tạo lại. Trừ tất cả chi phí thì 10 ha CS mới khai thác mang về cho ông một năm khoảng 400 triệu đồng (tùy thời giá).
Nhiều năm liền ông Song đạt danh hiệu NDSXKD giỏi cấp tỉnh và mới đây, ông đạt danh hiệu NDSXKD giỏi cấp Trung ương cùng nhiều khen thưởng từ Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã Phước Hòa. Bên cạnh việc làm giàu bằng cây CS, ông Song còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, công ích, đóng góp nhiều cho sự phát triển tại địa phương. Ông đã đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa và nhiều phần quà tết tặng hộ nghèo. Bên cạnh đó, ông Song còn đóng góp nhiều cho Hội Nông dân xã. Ông cho nhiều hộ nghèo trong ấp vay vốn không lấy lãi để xây dựng kinh tế và tận tình chỉ bảo cho họ cách làm giàu.
Trong tương lai, ông Song đang tích cực mở rộng thêm diện tích trồng CS và áp dụng các kỹ thuật trồng trọt tiến bộ để mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy lợi ích kinh tế hiện tại mà CS mang về chưa cao nhưng ông vẫn kiên quyết gắn bó lâu dài với loại cây công nghiệp này. Vừa tích cực làm giàu chính đáng, vừa góp phần đẩy mạnh kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con quanh vùng là mục tiêu mà ông Song đã và đang thực hiện.
THÚY NGÂN