Ông Lê Văn Xê (Sáu Xê), chủ trang trại (TT) Phương Uyên (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) được nhiều người đặt cho biệt danh là “ông vua” chanh giấy không hạt. Tuy nhiên, ngoài chanh giấy không hạt, TT của ông Sáu Xê còn nổi tiếng với nhiều loại cây trồng khác. Ông Sáu Xê cho biết, bí quyết để thành công là nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tìm ra hướng đi riêng
Năm 1999, ông Sáu Xê mới bắt tay vào xây dựng TT. Từ một cán bộ làm trong ngành lương thực chuyển sang làm nông dân, nên bước đầu ông gặp không ít khó khăn. Lúc đó, đường sá đi lại tại Hiếu Liêm chưa mấy thuận lợi và bản thân ông cũng chưa xác định được nên trồng cây gì hay nuôi con gì mà chỉ làm theo kiểu tự phát. Thời gian đầu, ông Sáu Xê tập trung đầu tư trồng các loại cây ăn trái thịnh hành lúc bấy giờ là chôm chôm, nhãn, bưởi, sầu riêng... Tuy nhiên, đến lúc cây cho trái thì sức tiêu thụ của thị trường đã giảm hẳn. Ông nhận ra rằng, nếu cứ theo đuổi các giống cây trồng truyền thống thì sẽ không có được nguồn lợi kinh tế cao. Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định cải tạo lại vườn cây để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng đi riêng. Ngày cho công nhân đốn hạ vườn cây cũ, trong đó có nhiều gốc bưởi mấy năm tuổi ông không khỏi đau lòng, nhưng đành gạt nước mắt để chọn cho mình con đường mới tươi sáng hơn.
Cây bưởi da xanh ruột hồng được trang trại Phương Uyên ưu tiên lựa chọn làm cây trồng chủ lực
Nhờ quyết tâm đó mà hiện nay doanh thu bình quân của TT Phương Uyên đạt trên 6 tỷ đồng/năm, cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Hiện tại, TT Phương Uyên chuyên trồng các loại cây có múi mà không đi theo con đường kết hợp trồng trọt với chăn nuôi như trước đây. Trong đó, ông chủ TT đã chọn cây bưởi da xanh ruột hồng làm loại cây trồng chủ lực, bởi có giá trị kinh tế cao và ổn định. Trong tổng diện tích 9,5 ha của TT Phương Uyên, hiện có tới 7 ha trồng bưởi da xanh, còn lại 2,5 ha trồng cam sành và quýt đường, đang được xây dựng hoàn thiện và hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhắc lại những ngày đầu khi mới hình thành TT, ông Sáu Xê không khỏi trầm ngâm khi nhớ về những khó khăn đã trải qua. Là một trong những người đi tiên phong trồng các loại cây có múi, nhưng những ngày đầu xây dựng TT ông không biết tìm đâu ra tài liệu hướng dẫn sản xuất. Do vậy, ông phải vất vả lặn lội đến các tỉnh miền Tây để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây này. Trong một lần sang tham quan các nông trại ở Thái Lan, ông đã vô cùng ngạc nhiên trước các phương pháp canh tác mới của người Thái. Cùng một diện tích đất nhưng sản xuất theo phương pháp của họ cây trồng cho năng suất cao hơn và chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Từ đó, ông quyết tâm học cho bằng được phương pháp canh tác mới này đem về ứng dụng vào TT của mình. Ông Sáu Xê cho biết: “Lúc bấy giờ, nông dân Thái đã biết sử dụng công nghệ sinh học và họ ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Cái khó khi ứng dụng công nghệ này vào sản xuất là đòi hỏi người chủ TT phải có trình độ nhất định, biết theo dõi quá trình sinh trưởng của từng loại cây trồng trong TT. Lâu nay, nhiều nông dân Việt Nam tuy có nguồn vốn và quỹ đất lớn, nhưng canh tác thiếu khoa học, nhất là trong khâu chăm sóc cây trồng, nên năng suất đem lại không cao”.
Ứng dụng khoa học để thành công
Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ năm 2003, ông Sáu Xê bắt đầu bắt tay vào quá trình xây dựng thương hiệu trái cây Phương Uyên và đến năm 2005 TT Phương Uyên đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho nhóm các loại cây có múi. Quá trình xây dựng thương hiệu cũng đã lấy đi của ông nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, cái được của ông hiện nay là sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người ưa chuộng, sản phẩm của TT Phương Uyên đã có mặt tại nhiều siêu thị trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Newzeland, Singapore...
Thành tích của trang trại Phương Uyên: Bằng khen của Hội Làm vườn Trung ương năm 2006; bằng khen của UBND tỉnh từ năm 2001-2006 cho nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; giấy chứng nhận giải nhì Hội thi Khoa học sáng tạo tỉnh Bình Dương; danh hiệu thi đua yêu nước 10 năm liền từ 2001-2010...
Theo ông Sáu Xê, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Để đạt được điều này cần phải duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm của TT. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Sáu Xê đã chú ý đến yếu tố sạch trong sản xuất. Trong đó, ông chú ý nhiều đến khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Theo ông, hiện nay nhiều người sản xuất trái cây chưa chú ý đến các khâu này nên hiệu quả đem lại chưa cao. “Sơ chế và bảo quản sau thu hoạch có ý nghĩa lớn trong quy trình sản xuất. Thực hiện tốt các khâu này thì trái cây sẽ có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi của trái cây được duy trì lâu hơn nên có thể vận chuyển đi xa mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng, vì vậy mà giá trị thương phẩm của trái cây được nâng lên cao hơn”, ông Sáu Xê lý giải.
Để có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng, ông Sáu Xê còn xây dựng hệ thống tưới phun tự động cho TT theo công nghệ phun tưới đã học tại nhiều nơi như Thái Lan, Malaysia... Với hệ thống tưới phun tự động, chỉ cần một vài thao tác nhẹ nhàng là có thể tưới cho cả diện tích hàng chục ha bất kể ngày hay đêm và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn. “Sau khi xây dựng thành công hệ thống này, tôi đã hướng dẫn cho các chủ vườn xung quanh làm theo và hiện đã có khoảng 90% diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Hiếu Liêm đã ứng dụng hệ thống phun tưới tự động này”, ông Sáu Xê vui vẻ nói. Ngoài việc tiết kiệm được tối đa chi phí nhân công, hệ thống phun tưới tự động còn giúp năng suất vườn cây tăng cao gấp nhiều lần do nước tưới thấm sâu hơn. Ông Sáu Xê cho biết thêm, ứng dụng hệ thống tưới tự động này sẽ tưới rải đều 100% diện tích vườn cây và rễ cây sẽ tiếp xúc một cách ổn định với nguồn nước. Hiệu quả của việc tưới phun tự động có thể cao hơn 300 - 400% so với tưới bằng vòi phun thông thường. Những người trồng cây có múi muốn đạt được hiệu quả sản xuất cao thì nhất định phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có việc ứng dụng hệ thống phun tưới tự động.
Để có thể đưa sản phẩm của trang trại đi xa hơn, hiện nay ông Sáu Xê đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất của TT theo tiêu chuẩn VietGAP. “Sản phẩm của TT phải theo hướng sạch, chất lượng cao và bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới có thể thuyết phục được người tiêu dùng”, ông Sáu Xê khẳng định.
Ông Lê Văn Xê - chủ trang trại Phương Uyên: Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại cần cụ thể hơn
Mặc dù Bình Dương đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế TT, nhưng trên thực tế số người nhận được các hỗ trợ từ chính sách còn rất hạn chế. Cụ thể, TT Phương Uyên tuy đã có giấy chứng nhận TT từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi. Có sự hạn chế này là do chính sách chưa được triển khai cụ thể đến nông dân, vì vậy nông dân có rất ít thông tin để có thể tiếp cận được với các chính sách này.
CAO SƠN