Mong muốn các đề xuất về chính sách của ngành giáo dục sớm được thông qua

Cập nhật: 18-12-2023 | 09:15:51

 Thời gian gần đây, nhiều thông tin liên quan đến chính sách đối với nghề giáo được đề xuất đã thu hút dư luận xã hội quan tâm, như: Sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; xét đưa giáo viên (GV) mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại; tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học và đề xuất xếp bảng lương cao nhất cho nghề giáo… Trước những thông tin này, nhiều GV đã rất vui mừng và mong muốn những chính sách này sớm được thông qua.

 Nhiều GV đang mong chờ các chế độ, chính sách hỗ trợ mới cho nghề giáo được thông qua. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò trường THCS Trần Đại Nghĩa, TP.Thuận An

 Giáo viên là nghề đặc thù

Trong xã hội ngày nay, nghề dạy học vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng. Dạy học là một nghề hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của các ngành nghề khác “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Từ lâu, hình ảnh những GV ngày thì tận tụy trên lớp, đêm về cần mẫn với giáo án, hồ sơ… đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thương với mọi người. Phía sau bục giảng là những vất vả, hy sinh thầm lặng khi phải đảm đương trọng trách “việc nước, việc nhà”… Họ có mặt ở tất cả các trường học, các địa phương từ thành thị đến nông thôn, không ngừng cống hiến công sức, trí tuệ, góp phần to lớn trong sự nghiệp giáo dục.

Nghề giáo vinh quang song cũng không ít những áp lực, khó khăn. Không ít GV buộc phải từ bỏ bục giảng vì gánh nặng mưu sinh và nhiều lý do khác… dù còn rất yêu nghề. Chúng ta đã từng nghe tâm sự của nhiều GV khi mong ước được cùng con dự một lễ khai giảng trọn vẹn hay nhiều GV vì gánh nặng cơm áo buộc phải nghỉ việc để kiếm một công việc có thu nhập cao hơn…

Nghề nào cũng vậy, luôn có những thuận lợi và khó khăn. Với nghề dạy học, nếu nhìn sơ qua sẽ thấy rất nhẹ nhàng, nhưng thật ra rất áp lực và cần rất nhiều thời gian để đầu tư giáo án, bài giảng và các kỹ năng khác. Những áp lực ấy cóthểhữu hình hay vô hình nhưng nhiều lúc đãcónhững phút giây làm cho nhiều GV thực sựchùn bước vànghĩ đến chuyện từbỏ. Nhưng rồi, bằng một lýdo nào đó, họ đãtự vượt qua đểbước tiếp trên cuộc hành trình khókhăn vàthách thức màhọ đãchọn.

Mong được thông qua

Cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tờ trình dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo. Trước đó, Bộ GD&ĐT nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và 2 bộ đã thống nhất trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho GV bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non là 10% và GV tiểu học là 5%. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị xếp hạng GV mầm non là nghề nặng nhọc và GV nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55.

Nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, cuối tháng 6-2023, Thủ tướng Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ GD&ĐT về tờ trình dự thảo xây dựng Luật Nhà giáo. Dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ trình dự thảo Luật Nhà giáo tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 vào cuối tháng 10-2024.

Hay tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, nhiều thông tin liên quan đến chính sách đối với nghề giáo được đề xuất đã thu hút dư luận xã hội quan tâm, như: Xem xét đưa GV mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại; tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học và đề xuất xếp bảng lương cao nhất cho nghề giáo…

Những thông tin trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, trong đó có đội ngũ GV trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bởi với những gì mà GV đóng góp, họ xứng đáng được hưởng những chế độ ưu đãi tương xứng với công sức bỏ ra. Cô Trần Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường Mầm non Võ Thị Sáu (TP.DĩAn), chia sẻ: “Là người công tác trong ngành mầm non nên tôi rất hiểu những khó khăn, vất vả mà những GV mầm non phải trải qua. Nghề GV vốn vất vả, riêng GV mầm non, tiểu học lại là công việc có tính đặc thù nên khi được quan tâm chúng tôi rất mừng. Do đó, việc tăng phụ cấp ưu đãi đối với GV 2 cấp học này là rất cần thiết”.

Còn với cô Trần Thị Hòa, GV trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một) lại quan tâm và hy vọng vào đề xuất xếp bảng lương cao nhất cho nghề giáo. Theo cô Hòa, nếu được thông qua thì đây sẽ là niềm vui và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Trao đổi với P.V, ông Trần Anh Dũng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Tân Uyên, chia sẻ bản thân rất vui mừng nếu có Luật Nhà giáo. Khi Luật Nhà giáo được thông qua với những quy định mới về lương, phụ cấp sẽ tạo cơ hội cho thầy cô yên tâm công tác. “Thực sự, tôi và các GV đều mong đề xuất này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo tới đây và sớm được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua. Điều này sẽ giúp đội ngũ GV yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người”, ông Dũng nói.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, tình trạng thiếu GV các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số GV nghỉ việc liên tục tăng. Để “giữ chân” GV bám trụ với nghề, đòi hỏi ngành GD&ĐT cần có giải pháp tổng thể, dài hơi và mang tính bền vững; bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách để động viên, khuyến khích GV.

 Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết khi cải cách chính sách tiền lương, bộ sẽ ưu tiên xếp lương GV cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời, bộ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo.

 HỒNG PHƯƠNG - KHẮC THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=412
Quay lên trên
X