Cuộc khủng hoảng Syria đã đánh dấu sự trỗi dậy của Nga khi danh tiếng quân sự và ngoại giao của nước này đã được củng cố một cách đáng kể. Nga đã bảo vệ được sự tồn tại của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng như mở rộng dấu ấn của mình tại quốc gia Trung Đông này.
Với những thành quả này, có thể nhận thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ đang mất dần đi ảnh hưởng ở Trung Đông, trong khi Nga đang thành công trong việc thuyết phục các đồng minh cũ của Mỹ thay đổi quan điểm của họ đối với Moscow như một nhân tố không thể thiếu trong khu vực.
Một trong những động thái đầu tiên cho thấy Nga đã giành được ưu thế trong khu vực nhiều bất ổn này là nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad đã thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Nga hơn một tuần trước nhằm cảm ơn ông Putin về sự ủng hộ của nước Nga.
Tiếp đến, ông Putin đã gọi điện cho Quốc vương Salman của Saudi Arabia để thông báo ngắn gọn về các cuộc thảo luận với ông Assad - và để "nghe ngóng" những nỗ lực của Saudi Arabia trong việc ủng hộ sự thay đổi nhân sự trong danh sách lãnh đạo của phe đối lập Syria. Cuối cùng, Tổng thống của hai nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Sochi để tham dự cuộc họp 3 bên Nga-Iran-Thổ nhằm thảo luận về tiến trình chuyển tiếp tại Syria.
Ông Putin cũng đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để thông báo với Nhà Trắng các sự kiện này, nhưng với một quan điểm rõ ràng: Moscow thông báo cho Washington vì lịch sự chứ không phải để xin phép hay nhờ Mỹ chỉ đạo làm điều gì, kể cả là tham gia vào nỗ lực của Nga.
Phản ứng của Mỹ với động thái này thường sẽ đi theo 3 khuôn mẫu dễ đoán: một là cách tiếp cận “cứ để họ giải quyết tình hình nếu họ muốn thế”, dựa trên quan điểm “Nước Mỹ trước tiên”; hai là dự đoán “Nga sẽ thất bại”, với lập luận rằng Mỹ không cần phải lo ngại, bởi Moscow không thể làm được điều này; và thứ ba là kịch liệt phản đối bất cứ mối quan hệ nào với “kẻ sát nhân” ở Damascus. Điểm chung của 3 cách tiếp cận nói trên là Mỹ không sẵn lòng nhúng tay vào ván cờ Syria, trừ khi có lợi.
Hình mẫu can thiệp của Mỹ trên khắp thế giới thời gian gần đây luôn là sử dụng sức mạnh không lực, hậu cần và công nghệ tuyệt vời của mình để hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở thực địa. Tại Syria, Mỹ nhờ cậy hai đồng minh chính là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia để hỗ trợ và duy trì phe đối lập chống Assad, và dựa vào cộng đồng người Kurd trong khu vực để tạo ra một lực lượng chiến binh nòng cốt chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, cả 3 cách tiếp cận này đều không còn đủ tin cậy, và Moscow được trông đợi sẽ mang lại những biện pháp thay thế và sử dụng những dàn xếp tích cực của mình để tạo ra các thỏa thuận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Moscow ngày 21-11.
Mặc dù các nỗ lực của Nga cũng có thể thất bại - những quan điểm cực đoan ở Mỹ không sai khi chỉ ra rất nhiều thách thức - song Nga vẫn đang gặt hái được nhiều "thành công" từ sự nỗ lực của mình. Và hội nghị thượng đỉnh Sochi chính là lời khẳng định rằng một trật tự mới đang được định hình tại khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang có cách tiếp cận trực tiếp với ông Putin về nền tảng quy tắc, khác xa với những gì ông phản ứng với các đồng minh trên danh nghĩa của mình tại châu Âu và Mỹ.
Ông Erdogan đã thay đổi lập trường một cách rõ rệt: Không còn coi việc ngăn chặn sự mở rộng hay nổi lên của Nga ở khu vực Đông Địa Trung Hải hoặc Trung Đông là lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Chẳng có lý do gì mà Ankara lại không tìm kiếm một sự thỏa hiệp có lợi hơn với Điện Kremlin. Việc duy trì mọi hình thức thù địch Nga - Thổ vốn tồn tại từ lâu nhằm kiểm soát những tham vọng của Moscow đã phủ bóng đen lên những giai đoạn mà Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng hợp tác vì những lợi ích chung.
Và cũng chẳng có lý do gì mà Thổ Nhĩ Kỳ lại không cần cân nhắc cái giá phải trả cho việc cô lập và đối đầu với Iran. Tại sao không ngồi xuống bàn đàm phán với Iran để đạt được các thỏa thuận có thể đáp ứng lợi ích của cả hai bên, thay vì chịu đựng những cái giá của việc duy trì một cách tiếp cận đối đầu hơn với Tehran?
Đối với ông Hassan Rouhani, cơ chế 3 bên này, cùng sự nổi lên của hành lang vận chuyển Bắc-Nam, đều là những đảm bảo rằng Iran không thể một lần nữa bị cô lập về chính trị và kinh tế. Còn với ông Putin, sự dàn xếp mới với 2 cường quốc lớn của khu vực, vốn là những đối thủ địa chính trị truyền thống của Nga, là một phép thử quan trọng về cách tiếp cận của ông trong các vấn đề quốc tế.
Nếu những tiến triển này có thể đem lại một giải pháp cuối cùng cho Syria - trong đó không có sự can thiệp của Mỹ - thì không có lý do gì lại không áp dụng cơ chế 3 bên này để giải quyết các vấn đề khác. Đầu tiên là với vấn đề người Kurd, và tiếp đến là cuộc xung đột hóc búa Nagorno-Karabakh bị đình trệ lâu nay giữa Mỹ và Azerbaijan.
Vậy điều Nga thực sự mong muốn gặt hái được từ tất cả những việc này là gì? Đó không chỉ đơn thuần là những giải thưởng ngoại giao. Nga đã thuyết phục Ankara và Tehran rằng khu vực Biển Đen và Biển Ba Tư không cần có sự can thiệp hoặc hiện diện của Mỹ. Việc đẩy được Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một nhân tố từng quyết tâm hành động như một rào cản ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Nga nhân danh các đồng minh phương Tây - trở thành một nhân tố trung lập hiệu quả mới là một thành tựu địa chính trị quan trọng. Dựa vào đó, những bước đi tiếp theo của Moscow sẽ là thử nghiệm và định hình những quy tắc mới của cuộc chơi ở Trung Đông, trong đó Nga là một vị trọng tài không thể thiếu. Và nếu Nga đảm nhiệm được vai trò này, các nỗ lực nhằm cô lập và gây áp lực lên Nga, trong đó có các loạt trừng phạt hiện nay, sẽ phải chấm dứt.
Nước cờ cuối cùng của Kremlin không chỉ đơn thuần là giành được một chiến thắng ngoại giao, mà là tạo dựng được vị thế quyết định trong việc duy trì sức mạnh của Nga với tư cách là một trong những cường quốc lớn nhất thế giới.
Theo CAND