Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm chủ nhật 15-10 đã phải lên truyền hình để phản bác những lời chỉ trích, cáo buộc sau một loạt phát ngôn vừa qua của ông về những người công nhân phản đối chính sách cải cách lao động. Đây không phải lần đầu và duy nhất ông Macron “há miệng mắc quai”.
Cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 15-10 của Tổng thống Emmanuel Macron là sự xuất hiện cực hiếm trước ống kính máy quay truyền hình, bởi ngay từ khi đắc cử Tổng thống Pháp, ông đã cố tình thay đổi một truyền thống: Các ông chủ Điện Élysée trước đây thường chọn cách xuất hiện trên truyền hình để phát biểu với công chúng, để truyền đi thông điệp lãnh đạo, điều hành quốc gia của mình. Còn Macron thì khác, ông không chọn kênh truyền hình mà thích đứng trên bục phát biểu trước đám đông cử tọa để phát đi những bài phát biểu dài dằng dặc với nhiều ngôn từ bay bổng.
Gần đây nhất ông đã có bài phát biểu suốt hơn 2 tiếng đồng hồ trước hàng ngàn sinh viên và các giáo sư, học giả ở trường Đại học Sorbonne, trong đó ông phác họa tương lai Liên minh châu Âu với trụ cột là sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp và Đức. Nhưng sau khi tỉ lệ cử tri ủng hộ ông tụt xuống mức thấp kỷ lục cách đây vài tuần, vị tổng thống trẻ của nước Pháp nhận thấy cần phải nói chuyện với cử tri cả nước, những người đang cố hiểu ý nghĩa thật sự của toàn bộ “dự án chính trị” của ông là gì và những hệ lụy của nó, cũng như bản chất của “học thuyết Macron” là thế nào.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thị sát vùng Égletons, Tây Nam Pháp đầu tháng 10.
Áp lực buộc Tổng thống Macron phải giãi bày cho cử tri hiểu rõ việc “biến đổi toàn diện nước Pháp” có ý nghĩa gì với từng hộ gia đình người Pháp trong vòng 5 năm tới.
Đó chính là mục đích quan trọng nhất của lần xuất hiện “không bình thường” trên truyền hình hôm 15-10 của ông Macron. Trả lời phóng viên truyền hình, Macron khẳng định Luật Lao động sửa đổi của ông - vốn bị phê phán là có lợi cho giới chủ doanh nghiệp - không đồng nghĩa với mô hình “thị trường siêu tự do” gây thiệt hại quyền lợi của công nhân, mà trái lại sẽ giúp ích cho tất cả công nhân.
Bước tiếp theo của Macron sẽ là cải cách chế độ phúc lợi thất nghiệp và các chương trình đào tạo, dạy nghề. Ông hứa rằng kết quả sẽ được thể hiện rõ trong vòng 1-2 năm nữa. Bên cạnh việc làm rõ chính sách, Macron đặc biệt phản bác lại những lời cáo buộc cho rằng ông “xa cách” và có tư tưởng kinh miệt giai cấp công nhân.
Thách thức thật sự của Macron giờ đây không phải là chính trị. Xét về phương diện này, ông khá an toàn với việc đảng La République en Marche của ông chiếm thế đa số trong Quốc hội, phía đối lập chia rẽ và bản thân ông cũng đã nhanh chóng thực hiện những lời hứa quan trọng nhất, như sửa đổi Luật Lao động. Vấn đề của Macron chính là hình ảnh của ông. Cũng như tất cả các Tổng thống Pháp trước ông, Macron đang bị dư luận săm soi về phong cách cá nhân.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 15-10, Macron nói rằng ông muốn “nói chuyện một cách tự do, thoải mái, và tố cáo tầng lớp ưu tú Pháp đã quen với những bài phát biểu cứng nhắc trước công chúng cho nên không chấp nhận phong cách phát biểu của ông. Là một người tự học, Macron không thể chấp nhận theo một khuôn mẫu nào đó trong phong cách thể hiện trước đám đông.
Chính sự “phi truyền thống” này đang khiến cho Macron gặp rắc rối. Trong chuyến thị sát vùng Tây Nam nước Pháp hồi đầu tháng này, Macron đến một nhà máy nhôm đang trong tình trạng không tuyển được công nhân làm việc trong khi hàng trăm công nhân đổ ra đường để phản đối chính sách cải cách lao động của ông.
Khi Macron đưa ra phát ngôn với một quan chức địa phương về tình trạng công nhân “không lo làm việc mà chỉ biết gây náo loạn”, ông không hay biết mình đang bị quay phim, và chính đoạn video này sau đó được tung ra gây “bão” cho Macron. Cáo buộc “xa rời đời sống thực tế” thật ra đã được chính Macron tự tạo ra ngay từ khi chưa đắc cử tổng thống – khi đó ông tự ví mình như thần Jupiter, Vua của các vị thần La Mã cổ đại.
Công nhân Pháp xuống đường phản đối phát ngôn “khinh miệt giai cấp” của Tổng thống Macron.
Hình ảnh “thần thánh” ít nói chuyện trước công chúng chẳng phải đã là “xa cách” rồi sao? Và điều này được lý giải là có truyền thống từ thời Tổng thống Charles De Gaulle và Tổng thống Francois Mitterrand. Macron đang cố gắng “gỡ bỏ” danh hiệu “thần thánh” của mình chỉ để chứng minh với công chúng rằng ông không tự mình “xa rời đời sống thực tế”.
Có lẽ phong cách phát ngôn “há miệng mắc quai” của Tổng thống Macron không chỉ xảy ra một lần. Ông từng bị dư luận, các chính khách đối lập đặt cho biệt danh “Tổng thống của nhà giàu” khi đưa ra đề xuất cắt giảm thuế đánh lên giá trị tài sản nhà giàu. Khi dư luận rộ lên tranh cãi về chính sách cắt giảm phúc lợi nhà ở của ông, Macron lại phản hồi bằng một câu nói khiến dư luận bất bình cho rằng, ông tính cho người dân ăn “bánh vẽ”.
Đầu tháng 10, Macron lại gây bức xúc khi đưa ra nhận xét rằng những công nhân bị mất việc làm có thể đi xa 140 km để tìm việc làm khác. Ngay sau đó, Điện Élysée đã phải lên tiếng thanh minh trước công chúng, đổ lỗi cho truyền thông làm méo mó ngữ cảnh câu nói của ông.
Dù bị dư luận công kích, nhưng Macron không chịu nhường bước, quyết tâm khẳng định phong cách của một nhà cải cách “thân doanh nghiệp”. Đầu tháng 9-2017, ngay trước cuộc biểu tình cho sửa đổi luật lao động do công đoàn tổ chức, Macron đã không kiềm chế, gọi những công nhân biểu tình là “những kẻ trốn việc, hay chỉ trích và cực đoan”.
Lời nói của Macron lập tức cũng biến thành chủ đề của biểu tình phản đối. Cuộc chiến xung quanh dự luật cải cách lao động vẫn đang tiếp diễn, những màn đối đầu sẽ tiếp tục diễn ra giữa Tổng thống Macron với giới công nhân, người lao động nếu vị tổng thống trẻ tuổi không nhìn thấy yếu điểm của mình.
Theo CAND