Trong cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên mấy tuần lễ vừa qua, có một người được cả thế giới biết đến với tư cách là “gương mặt” đại diện cho Triều Tiên trên trường quốc tế, thay mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối đầu trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho.
Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tuần trước, ông Ri Yong-ho đã thay mặt lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện màn “khẩu chiến” leo thang căng thẳng hơn trước. Ông bước lên bục và phát biểu. Đáp lại bài phát biểu “hủy diệt toàn bộ Triều Tiên” của Tổng thống Mỹ, Ri phát biểu trước toàn thể Đại hội đồng LHQ rằng “sẽ không thể tránh khỏi” việc “tên lửa Triều Tiên ghé thăm đất liền Mỹ”. Ri đã mượn câu nói của chính Tổng thống Trump để cảnh báo rằng chính Trump, chứ không phải Kim, đang “theo đuổi sứ mệnh tự sát”.
Hôm 25-9, ông tiếp tục “phát pháo” căng thẳng, tuyên bố Triều Tiên có quyền bắn rơi máy bay chiến đấu của Mỹ ngay cả khi nó không xâm phạm không phận Triều Tiên. Tuyên bố này của Ri được báo chí toàn cầu phân tích là đã đẩy Tổng thống Mỹ Trump vào thế “lưỡng nan”. Tuy nhiên, sau tuyên bố quá căng này, chính Triều Tiên cũng đã khẩn trương triển khai phương án phòng thủ nhằm đề phòng trường hợp Mỹ tấn công phủ đầu.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho đến diễn đàn Đại hội đồng LHQ.
Cũng như nhiều quan chức khác của CHDCND Triều Tiên, người ta biết không nhiều về Ngoại trưởng Ri. Một số thông tin báo chí nắm được cho biết Ri năm nay khoảng ngoài 60 tuổi, xuất thân từ gia đình quan chức, bố là ông Ri Myong-je, cựu lãnh đạo hãng thông tấn nhà nước KCNA. Thời trẻ, Ri được đi học ở trường trung học Namsan và sau đó học ngành tiếng Anh tại trường Đại học Đối ngoại Bình Nhưỡng bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao.
Năm 2000, Ri tháp tùng Jo Myong-rok, lúc đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, trong chuyến đi đến Mỹ gặp Tổng thống Bill Clinton và Ngoại trưởng Madeleine Albright để thảo luận một số vấn đề về ngoại giao, quốc phòng. Từ những chuyến đi như thế, ông Ri dần tích lũy kinh nghiệm ngoại giao quốc tế để từng bước leo lên nấc thang địa vị trong ngành ngoại giao Triều Tiên.
Thời gian Ri Yong-ho làm Ngoại trưởng mới hơn một năm, nhưng ông đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin tưởng giao cho trọng trách làm người đại diện trực tiếp trong công tác đối ngoại, đủ để thấy mức độ tin tưởng Kim dành cho Ri Yong-ho như thế nào. Hoạt động đặc biệt của ông tại Đại hội đồng LHQ phản ánh vị thế chính trị gần gũi ban lãnh đạo trung ương Triều Tiên, được tín nhiệm giao trọng trách đối ngoại trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay chính là nhờ vào kinh nghiệm của ông trong quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc và LHQ.
Trước khi làm Bộ trưởng Ngoại giao, Ri Yong-ho từng kinh qua một số vị trí ngoại giao cao cấp, như làm Đại sứ Triều Tiên tại Anh từ năm 2003-2007, làm đặc sứ Triều Tiên trong nhiều chuyến công du đến Mỹ và châu Á. Trước đó, Ri cũng đã từng tham gia phái đoàn CHDCND Triều Tiên đàm phán hạt nhân với Mỹ vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX, và sau đó làm Trưởng đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên tại các vòng đàm phán “6 bên” về chương trình hạt nhân Triều Tiên cho đến khi đàm phán bế tắc cách đây gần 10 năm.
Tuyên bố “CHDCND Triều Tiên có quyền bắn rơi máy bay chiến đấu Mỹ” đã khiến căng thẳng Mỹ - Triều leo thang.
Với tư cách một người đang được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tin tưởng, đồng thời là người trực tiếp góp phần làm tăng nhiệt cuộc khẩu chiến, liệu Ngoại trưởng Ri Yong-ho có khả năng “tháo ngòi nổ”, làm hạ nhiệt cuộc khẩu chiến theo mong đợi của nhiều người hay không?
Joel Wit, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Triều tại Đại học Johns Hopkins cho rằng, một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ri Yong-ho với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là giải pháp khả dĩ, có thể phá vỡ vòng lẩn quẩn khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Wit đánh giá Ri Yong-ho có kỹ năng ngoại giao tốt, thông minh, sâu sắc và phát ngôn cụ thể, rõ ràng. Ông lại là người biết lắng nghe người khác nói và đặt ra những câu hỏi theo từng góc độ khác nhau để người nói được nói hết ý và thận trọng lựa chọn câu trả lời phù hợp. Ông vừa là người nói lý lẽ khi thảo luận về quan điểm, nhưng đồng thời cũng quyết liệt bảo vệ các lợi ích quốc gia khi bị đụng chạm đến.
Wit kết luận, Ri Yong-ho có thể làm điều mọi người mong muốn - tháo ngòi nổ cuộc khẩu chiến. Vấn đề là bên đối thoại - Mỹ - có khiến ông làm được điều đó hay không.
Theo CAND