Một thời tự hào...

Cập nhật: 09-04-2016 | 09:08:55

Những người lính quân dân y (QDY) năm xưa nay đã là những người ông, người bà của gia đình. Sau quãng thời gian cống hiến tuổi xuân cho độc lập dân tộc, cho sức khỏe của người dân, họ đã sống một cuộc đời thầm lặng nhưng thật sự đáng trân trọng, là tấm gương cho thế hệ sau…

 Tự hào là lớp sĩ quan đầu tiên vượt Trường Sơn vào Nam

 Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Hoàng Dũng ở Q.8, TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sông Bé, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học (nay là Cao đẳng) Y tế Bình Dương, chúng tôi nhận được sự đón tiếp niềm nở, chân tình của ông bà. Thật tình cờ, con của Đại tá Trần Đình Xu, đồng đội năm nào của ông hôm đó cũng ghé thăm. Thế mới biết tình cảm khắng khít giữa những người QDY xưa thật đáng trân trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng sinh năm 1929, quê Bến Tre. Nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông kể, năm 1946, ông theo học lớp cứu thương ở Ba Tri, Bến Tre. Từ năm 1947 đến 1954, ông vào quân đội, được điều động vào Đại đội 89, nhận công tác tại Gò Công để cứu thương cho trung đội, đại đội phục vụ chiến đấu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và theo học ở trường Sĩ quan Quân y ở Việt Bắc. Tốt nghiệp, ông được điều về Viện Quân y 108 để công tác, cấp bậc trung úy.

Kể về cuộc đời mình, ông Nguyễn Hoàng Dũng nhớ và tự hào nhất là kỷ niệm được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Duẩn tại nhà riêng của đồng chí Phạm Hùng. Ông Dũng kể: “Năm 1959, sau khi học Nghị quyết 15 của Trung ương, tôi cùng 26 đồng chí nữa được chọn vào Nam. Đây cũng là lớp sĩ quan đầu tiên mở đường Trường Sơn về Nam được Trần Tuấn Sĩ viết trong cuốn “Sĩ quan đầu tiên vượt Trường Sơn thông đường về Nam bộ kháng chiến chống Mỹ (1959-1975)” - Nhà xuất bản Văn nghệ. Hôm đó, anh em gặp nhau tại nhà riêng của đồng chí Phạm Hùng trên đường Phan Đình Phùng. Bác Hồ đã tới và dặn dò rất chân tình rằng; đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, các chú phải đi đến nơi về đến chốn... Mở thông đường Trường Sơn là đã giải quyết thành công 50% công cuộc giải phóng miền Nam. Là người miền Nam, tôi rất háo hức trước nhiệm vụ này. Chúng tôi đi và khi thông đường là liên lạc với nhau. Ròng rã một năm trời, đến năm 1960, đoàn chúng tôi đến Trung ương Cục miền Nam, sau đó tôi được điều về căn cứ Sông Bé”…

Về đóng góp cho ngành QDY, ông Dũng là người mở lớp y tá đầu tiên ở căn cứ cách mạng cho 20 người thuộc các tỉnh: Sông Bé, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Lớp Y tá đầu tiên này có các học trò nổi tiếng như: nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh… Tiếp theo đó là lớp nữ hộ sinh. Vừa giảng dạy vừa trực tiếp cứu thương với những ca khó nên ông được cấp trên khen thưởng nhiều lần. Bởi, cũng với những bệnh tình, vết thương như thế thì trước đây, thời kháng chiến chống Pháp cầm chắc sẽ tử vong. Năm 1965, ông làm Trưởng ban QDY Bình Dương. Năm 1970, ông làm Phó Chủ nhiệm Quân y Phân khu. Năm 1975, ông làm Viện trưởng Quân y viện 113 Quân khu 7 với cấp bậc thiếu tá. Sau 1975, ông Nguyễn Hoàng Dũng chuyển ngành làm Phó Giám đốc Sở Y tế rồi Hiệu trưởng trưởng Trung học Y tế Sông Bé…

Quá trình công tác, ông được 12 huân chương các loại và nhiều bằng khen các cấp. “Kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam giải phóng, năm 2015, tôi được cả Sở Y tế và Sở Giáo dục tỉnh Bình Dương tri ân là người có đóng góp cho sức khỏe nhân dân, cho sự nghiệp giáo dục. Phấn đấu không ngừng trong quân ngũ cũng như sau ngày đã chuyển ngành, tôi vinh dự nhận được danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Vậy là mãn nguyện lắm rồi”, ông Dũng chia sẻ.

Giờ đây ông bà sống vui vẻ, hạnh phúc cùng con gái và cháu ngoại. Sự thành đạt, giỏi giang của con cháu cũng là niềm tự hào của ông bà.

Người thủ trưởng chân chất

Chúng tôi tìm gặp những người biết ông Phạm Diệp Đuộc, người lính QDY năm xưa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, họ nói về ông với sự cảm mến thực sự. Để rồi khi tìm gặp ông, tôi thầm nể phục một người luôn sống vì lý tưởng cách mạng, xem nhẹ vật chất, trọng ân tình. Đúng như ông nói khi đưa tôi đi thăm quanh nhà: “Đúng 41 năm, vợ chồng tôi mới làm xong căn nhà này. Đất Nhà nước cấp, trước đây là căn nhà tranh rồi nhà cấp 4 đơn sơ ở giữa vườn cây mà thôi”… Bởi thế nên khi làm nhà xong, ông trang trọng khắc lên mấy con số: Tháng 10- 2015! Giờ ông bà sống với vợ chồng đứa con trai đầu. Hai con gái có gia đình ở riêng. Ông nói đời tôi chỉ tự hào là gia đình cách mạng, tôi sống tốt với anh em đồng đội và con cháu ngoan, hiếu thảo.

Ông Phạm Diệp Đuộc sinh năm 1934, tại An Phú, Thuận An. Đó là vùng Chiến khu Thuận An Hòa lừng lẫy một thời với biết bao chiến công. Sinh ra trong gia đình cách mạng, ông sớm thoát ly đi theo lý tưởng của người yêu nước. Ông kể: “Năm 1947, khi mới 13 tuổi, học xong tiểu học, tôi trốn nhà đi theo bộ đội. Trốn là bởi, 2 anh tôi đã thoát ly theo cách mạng rồi, tôi còn nhỏ nên ba mẹ rất lo. Sau, cả 2 người anh đều hy sinh…”. Ông được đưa vào căn cứ ở Chiến khu Đ và được cho đi học để tải thương, băng bó vết thương cho thương bệnh binh. Năm 1949, ông được điều về phụ trách bệnh xá căn cứ Đồng Nai (khi đó là tỉnh Thủ Biên). Không có bác sĩ, chỉ có y tá, y sĩ và ai cũng trong “tư thế” vừa học vừa làm người lính, người thầy thuốc. Chiến trường quá ác liệt, gian khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng tinh thần của anh chị em luôn vững vàng, một lòng theo Đảng. Ông nhớ lại: “Hồi đó toàn ăn khoai, sắn qua bữa. Anh em nào liên lạc được với gia đình, có đồ gửi vô thì chia cho đồng đội dùng chung. Có người đi đánh trận thì đủ quần, áo. Về căn cứ toàn phải mặc quần cộc, ở trần giặt áo chờ khô mới mặc lại. Thiếu quần áo, đêm lạnh phải trùm bao bố là điều hết sức bình thường”. Khó khăn gian khổ vậy nhưng ông cùng đồng đội đã cứu thương có khi một ngày đến 20 - 30 thương bệnh binh. Nhiều người sốt rét ác tính rất nguy hiểm được ông cùng đồng đội chữa trị. Thuốc men phải dựa vào dân tiếp tế nên rất thiếu thốn, khó khăn.

Có một kỷ niệm mà ông Đuộc luôn nhớ đó là năm 1954, ông được tập kết ra Bắc để học tập. Ông cùng đồng đội đi theo đường biển và khi đến Xuyên Mộc (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu) và Hàm Tân (Bình Thuận) thì tất cả cùng bị bệnh tiêu chảy. Lý do là lâu nay ở căn cứ trong rừng quá kham khổ, nay được bà con cho cá để cải thiện thì tiêu chảy cấp tính. Ông đã dùng cùi bắp đốt thành than cho anh em uống. “Kiểu như than hoạt tính vậy đó”, ông giải thích. Trong cái khó ló cái khôn và những bài thuốc dân gian luôn được ông ứng dụng cho công việc của mình.

Được ra Bắc học Đại học Quân y của Bộ Quốc phòng, ông Đuộc luôn cố gắng hết sức để học tập. Ở miền Bắc, ông đã gặp “một cô chiến sĩ duyên dáng, mặn mà quê Nghệ An” và năm 1974, họ cưới nhau. Sau năm 1976 ông mới trở ra Bắc đưa vợ về quê.

Sau 1975, ông Phạm Diệp Đuộc công tác ở Sở Y tế Sông Bé rồi làm Trưởng phòng Y tế -Thể dục thể thao huyện Thuận An (gồm 2 TX.Thuận An và Dĩ An bây giờ). Tháng 8-1990, ông về làm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khi bệnh viện mới thành lập vài tháng và còn rất nhiều khó khăn. Ông cũng là người đã dùng quang châm laser y học thay cây kim châm cứu, giải quyết vấn nạn tâm lý HIV - AIDS trong tỉnh Bình Dương… Về các lĩnh vực khác đã cống hiến cho cộng đồng: Thành lập Chi hội Quang châm Laser TX.Thủ Dầu Một (1993), rút kinh nghiệm áp dụng vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đến các huyện còn lại, đáp ứng yêu cầu phục vụ sức khỏe cộng đồng ở các tuyến y tế cơ sở đạt hiệu quả cao.

Nói về thành tích, ông bảo mình tự hào sắp được 60 năm tuổi Đảng. Ông cũng được nhận 4 huy chương vì sức khỏe nhân dân, vì tổ chức công đoàn, vì khoa giáo, vì chữ thập đỏ Việt Nam. 3 lần chiến sĩ thi đua: các năm 1956, 1965, 2000; 12 bằng khen các cấp. Ông cũng được tặng Huy hiệu Kháng chiến Nam bộ năm 1961 và danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2012…

Đạn bom tránh mình chứ mình không tránh được đạn bom!

Sau những năm tháng miệt mài cống hiến cho ngành y tế, hiện tại bác sĩ Thúy vui cùng con cháu ở một căn nhà luôn có tiếng trẻ con bi bô. Cháu nội của chị cũng là niềm vui thật lớn lao. Khi tôi đến nhà, chị đang làm một bác sĩ chăm sóc cho “bệnh nhi” là cô bé kháu khỉnh tuổi mầm non!

Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Thúy sinh năm 1956, quê ở Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên, hiện chị ở TP.TDM. Nghe chị tâm sự về nghề, về đời, điều mà tôi thầm cảm phục là sự gan dạ, dũng cảm và tinh thần học tập không biết mệt mỏi.

 BS Đỗ Thị Thúy (bìa phải) trong lần dự hội nghị tại Hà Nội

Kể về những ngày tháng thanh xuân tham gia lực lượng QDY, chị Thúy như vẫn còn nguyên niềm háo hức của một thanh niên muốn cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Năm 1973, dù Mỹ đã cho rút quân về nước nhưng chiến tranh vẫn còn ác liệt. Năm đó chị là một cô gái 17 tuổi. Gia đình có truyền thống cách mạng nên chị muốn “làm một việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương”. Khi đó, chị đang là Trưởng trạm Y tế xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên). Vừa đi làm, chị vừa làm giao liên đưa thư mật vào căn cứ. Chị kể có một lần vừa ra khỏi bìa rừng thì gặp một toán lính của địch đi tuần. Chị cùng một đồng chí nữa đã chạy trốn trong làn mưa đạn bắn xối xả. “Chỉ biết chạy và chạy thật nhanh, bom đạn tránh mình chứ mình biết đường nào mà tránh. Hôm đó hai anh em về tới căn cứ, mọi người mừng quá chừng luôn”. Thời chiến, có những lúc chị núp dưới căn hầm, bên cạnh là xác người nhưng vẫn không nao núng tinh thần.

Sau ngày giải phóng, chính chị là người làm đơn và kiên quyết xin được đi học bởi “có trình độ mới phục vụ nhân dân tốt hơn”. Vừa chăm lo việc gia đình chị vừa học tại Đại học Y dược TP.HCM. Các nhiệm vụ chị kinh qua như: Tổ trưởng Bộ môn y học cơ sở trường Trung học (nay là Cao đẳng) Y tế; Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Sở Y tế. Năm 2001- 2005, bác sĩ Thúy làm Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh. Từ tháng 4-2005 đến tháng 8-2011, chị Thúy nhận nhiệm vụ Phó ban Thường trực Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ (BVCSSKCB) của tỉnh Bình Dương. Với vị trí công tác mới, chị luôn tìm giải pháp tốt nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ các cô chú, anh chị thật tốt khi đến khám, điều trị tại ban. Hàng tháng, bản thân chị hoặc cán bộ khác được chị cử đến tận nhà khám cho các trường hợp ưu tiên hoặc bệnh nặng, đi lại khó khăn như: các mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành, bệnh nhân tai biến mạch máu não, già yếu...

Chị đã được nhận các danh hiệu, bằng khen của: Ban BVCSSKCB Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chị Thúy cũng được vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vào năm 2010, Huân chương Lao động hạng ba năm 2011... Đây là kết quả thật xứng đáng cho sự cống hiến và cố gắng của chị trong quá trình đi theo cách mạng và làm người thầy thuốc chăm sóc cho sức khỏe của cán bộ và nhân dân.

Nói về lực lượng QDY, bác sĩ Thúy luôn tự hào. Theo chị, làm người thầy thuốc phải có đủ đức, tài và không ngừng học tập mới cứu giúp được nhiều người.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=710
Quay lên trên