Trong những ngày của tháng 6 vừa qua, dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) lại tiếp tục bùng phát, lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh khiến không ít trẻ mắc phải. 6 tháng đầu năm, đã có 675 ca mắc bệnh, trong đó có 6 ca đã tử vong. Ngành y tế lo ngại dịch bùng phát mạnh trong dịp hè, tiết trời nắng nóng.
Thời điểm phát triển mạnh của bệnh
Đang cố gắng đưa từng muỗng cháo vào miệng, ăn được 3 muỗng, bé Mi 2 tuổi lại khóc toáng lên, khắp trong miệng cháu nổi lấm tấm mụn nước bóng đỏ khiến cháu đau, ăn uống không được, quấy khóc liên tục. Mẹ cháu kể: “Cháu bị sốt 2 ngày liên tục, nổi lấm tấm đỏ ở tay, chân, ngực, cứ tưởng nắng nóng cháu bị nổi sảy. Ai ngờ vô bệnh viện khám thì mới biết cháu bị mắc bệnh TCM”.
Bệnh TCM đang phát triển mạnh do thời tiết nắng nóng bất thường, vệ sinh không bảo đảm. Với đà tăng như hiện nay, đỉnh dịch bệnh không dừng lại theo đúng chu kỳ như hàng năm mà kéo dài hơn. 6 tháng đầu năm, Bình Dương có 675 ca mắc bệnh, trong đó có 6 ca đã tử vong. Tại các tỉnh, thành lân cận, thông thường dịch bệnh TCM chỉ xảy ra ở các trẻ từ 3 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi, nhưng hiện nay dịch bệnh lây sang cả người lớn.
TCM là một bệnh rất phổ biến, thường là nhẹ, gặp nhiều ở trẻ nhỏ do nhiễm virus, đặc trưng bởi sốt và phát ban thường thấy trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Bệnh lây lan trực tiếp từ người sang người, qua dịch tiết mũi họng, nước bọt, các mụn nước, hoặc phân của người bệnh. Nguyên nhân hàng đầu là do coxsackievirus A16, một loại virus thuộc họ enterovirus. Cũng có thể do các loại enterviruses khác gây ra nhưng ít gặp hơn. Đặc biệt enterovirus 71 ít gặp hơn nhưng có nhiều nguy cơ gây biến chứng nặng hơn, như viêm màng não, viêm cơ tim... dẫn đến tử vong.
Điều trị kịp thời để không gây biến chứng
Bác sĩ Phan Thị Tiệp khuyến cáo, mùa hè thời tiết nắng nóng là cơ hội để bệnh TCM bùng phát. Do vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần chú ý đến khâu vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt cho trẻ nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan. “Khi phát hiện mẩn đỏ ở vùng tay, chân và vòm họng thì nhanh chóng đưa trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở gần nhất để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Tiệp khuyên.
Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, đừng xem thường khi thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, khóc quấy. Trong trường hợp này, khi thấy trẻ ngủ li bì, mê mệt, cho dù không mê man, các bậc cha mẹ phải nhanh chóng đưa con em mình đến bệnh viện để được điều trị bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao.
Để phòng tránh bệnh lây lan, cần phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sau khi thay quần áo, tã, hoặc tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt cần phải rửa tay bằng xà bông. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Với những trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly trong tuần đầu tiên, nếu các bé đang đi nhà trẻ cần cho nghỉ từ 5 - 7 ngày.
THOẠI PHƯƠNG