Mùa khô, cảnh giác cao với nguy cơ cháy trong các doanh nghiệp gỗ

Cập nhật: 05-03-2018 | 08:18:27

Dù đã được quan tâm, phối hợp triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn cháy doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất chế biến gỗ nhưng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy, trong đó cháy cơ sở, DN sản xuất, chế biến gỗ chiếm đa số, vừa gây lo lắng vừa thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển của DN. Trước tình hình đó, Cảnh sát Phòng cháy (PC) và Chữa cháy (CC) đã cùng với Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy tại các DN, cơ sở sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn.

 Nguyên nhân thường gặp

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh, người có nhiều kinh nghiệm trong hướng dẫn kiểm tra và xử lý các sự cố cháy nổ trên địa bàn cho biết, đơn vị đã tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm về những vụ cháy đã xảy ra trên địa bàn, trong đó nổi bật là các vụ cháy xảy ra tại các DN, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, chạm chập điện, nghẽn mạch... trong khi đó sản xuất chế biến gỗ là ngành phát sinh rất nhiều bụi, mùn gỗ, sử dụng nhiều hóa chất dễ cháy...

Khu vực phun sơn, hấp gỗ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy do tập trung nhiều vật chất dễ cháy. Cảnh sát PC&CC khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra kỹ thuật, bảo đảm an toàn và gắn thiết bị báo cháy, chữa cháy tự động nhằm triệt tiêu đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ảnh: DUY CHÍ

Thực tế cho thấy, sau một thời gian đi vào sản xuất, DN, cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn đã câu mắc, cơi nới nhà xưởng với quy mô, công suất cao gấp nhiều lần so với công suất thiết kế đã được duyệt. Khi công suất, khối lượng công việc tăng nhưng hệ thống hạ tầng ban đầu không tăng, lại được sử dụng nhiều năm trở nên già cỗi, quá tải. Do không được vệ sinh, lau chùi dọn dẹp đúng quy định, hệ thống dây dẫn già cỗi, quá tải phát sinh nhiệt, khi gặp bụi gỗ, mùn cưa, hóa chất dễ cháy đã phát cháy. Những nơi dễ cháy nhất là tại các bồn chứa bụi, mạc cưa, dâm bào, khu vực lò hơi sấy gỗ, buồng sấy... Bên cạnh đó, có nguyên nhân do chủ DN, người lao động bất cẩn hoặc chậm trễ trong thu gom, xử lý giẻ lau, chất thải, khi gặp điều kiện thuận lợi đã tự phát cháy.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân là các cơ sở sản xuất, DN sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, hỏng hóc như công nghệ sấy trực tiếp dùng sức nóng của lửa từ lò đốt, thay vì sấy bằng hơi nước nhằm triệt tiêu nguồn lửa gây cháy; hệ thống lò đốt bố trí gần khu nhà xưởng đã sử dụng lâu ngày, tạo nên những khe hở không được xử lý kịp thời... rất dễ phát cháy khi có sơ suất.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý

Cảnh sát PC&CC tỉnh đã trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh nhiều giải pháp, công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm bảo đảm an toàn PCCC. Theo đó, đối với DN đủ năng lực, điều kiện, đơn vị đề nghị đầu tư hệ thống thiết bị PCCC hiện đại, tự động hóa hoàn toàn theo thiết kế; đối với đơn vị còn khó khăn thì thực hiện các giải pháp kết hợp giữa tự động và bán tự động tại những nơi thường có nguy cơ cháy cao như: Trong hệ thống đường ống dẫn bụi, mùn cưa lắp đặt các con chíp cảm biến nhiệt gắn với thiết bị báo cháy và phun nước tự động để dập tắt ngay từ đầu và giúp con người phát hiện, xử lý kịp thời.

Tại các bồn chứa bụi, mùn cưa, dâm bào cũng vậy, Cảnh sát PC&CC tỉnh đề nghị thực hiện chíp cảm biến nhiệt, khói được đấu nối với hệ thống còi báo động. Khi phát hiện có khói hoặc nhiệt độ tăng vượt ngưỡng quy định thì hệ thống báo cháy sẽ thông báo bằng còi hụ và đội bảo vệ hoặc công nhân sản xuất sẽ mở nước để phun dập tắt khi đám cháy mới hình thành.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh, thực tế cho thấy, có nhiều vụ cháy đã cháy âm ỉ từ lâu mà không bị phát hiện vì nó bắt đầu tại những nơi rất khó phát hiện như đường ống dẫn bụi, bồn chứa dâm bào, mạt cưa. Đến khi phát hỏa, đội PCCC tại chỗ phun nước vào thì đám cháy lại bùng phát dữ dội, lửa lan ra khắp nơi. Trung tá Nguyễn Thanh Điệp cũng cho biết, tới đây, Cảnh sát PC&CC tỉnh sẽ tăng cường công tác tham mưu lãnh đạo UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành, có nguy cơ về mất an toàn PCCC và các trường hợp có trang bị phương tiện PCCC nhưng không sử dụng được, chỉ mang tính đối phó.

Ông Lê Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành BIFA nhìn nhận, bên cạnh nhiều DN, cơ sở sản xuất luôn coi trọng và chấp hành tốt các quy định về PCCC thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số DN, cơ sở quan tâm, làm tốt công tác PCCC. Nguyên nhân là do người đứng đầu cơ sở, DN chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các quy định an toàn PCCC. Chỉ đến khi xảy ra sự cố thì thành quả bao nhiêu năm làm việc, chắt chiu của DN bỗng chốc biến thành mây khói. Đây là bài học lớn mà BIFA luôn nhắc nhở, tuyên truyền đến hội viên cùng các nhà sản xuất trong ngành.

Ông Minh chia sẻ thêm, phải thừa nhận, do phí đầu tư cho PCCC là không nhỏ nên một số DN, cơ sở sản xuất nhỏ rất khó khăn để cùng lúc đầu tư hoàn thiện hệ thống PCCC. Tới đây, BIFA sẽ phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát PC&CC tỉnh để giới thiệu các công nghệ, thiết bị, giải pháp PC&CC hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng DN nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất và phát triển.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết
Tags
mùa khô

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=773
Quay lên trên