Mùa mưa cẩn thận với bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 28-05-2016 | 16:48:40

Mùa mưa đến, bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng có xu hướng gia tăng trong cộng đồng do điều kiện khí hậu ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Do vậy, để phòng bệnh SXH, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, điều quan trọng là người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh…


Diệt muỗi và lăng quăng là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất. Trong ảnh: Cán bộ Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và ngành y tế Bình Dương trong một buổi giám sát diệt lăng quăng trên địa bàn TX.Thuận An. Ảnh: H.THUẬN

Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan trong cộng đồng, trong đó có bệnh SXH. Trong thời gian qua, ngành y tế thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, giám sát dịch tễ, truyền thông phòng chống SXH tại các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, tình hình SXH trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2016 vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng hơn năm 2015. Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, từ ngày 21-4 đến ngày 20-5, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 87 ca mắc mới. Tích lũy từ đầu năm đến ngày 20-5 là 1.103 ca SXH. Riêng trong tháng 5-2016 (tính đến ngày 20-5), số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh giảm 24% so với 4 tháng đầu năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây nên. Muỗi vằn Aedes là côn trùng chủ yếu làm trung gian lan truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Do đó, bệnh dễ bùng phát dịch trong cộng đồng là rất cao. Khi xảy ra dịch rất khó khống chế do các ổ chứa lăng quăng trên địa bàn tỉnh có số lượng nhiều và rất đa dạng. Ghi nhận của chúng tôi trong những đợt theo chân các đoàn giám sát, diệt lăng quăng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tại nhiều nơi trong cộng đồng người dân vẫn còn khá chủ quan trước bệnh SXH. Những chiếc lu, hồ chứa nước, vật dụng chứa nước… xung quanh nhà vẫn còn lăng quăng xuất hiện. Đặc biệt, tại những nơi “tập kết” rác ở những khu vực bỏ hoang nhiều thứ như chai lọ, bịch nylon, hộp cơm, ly nước, lốp xe cũ… vứt lung tung, không ai dọn dẹp nên cứ có đọng nước mưa là có lăng quăng sống trong đó. Đây chính là những nơi để muỗi sinh sản và phát triển. Do đó, nếu không diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên thì nguy cơ bùng phát dịch tại những nơi này là rất cao.

Mới đây, tại hội thảo báo chí về phòng chống bệnh do vi rút Zika và các dịch bệnh mùa hè, tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, mùa hè là điều kiện thuận lợi để phát sinh, phát triển rất nhiều dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika. Hiện nay, bệnh SXH đang là vấn đề quan ngại và gia tăng tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, bệnh SXH vẫn tiếp tục ghi nhận. Do đó, người dân cần được truyền thông để hiểu được một cách cơ bản về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng chống dịch bệnh và phối hợp với ngành y tế trong phòng chống dịch bệnh. Theo tiến sĩ Trương Đình Bắc, để phòng chống bệnh SXH cũng như bệnh do vi rút Zika, mỗi địa phương cần triển khai thực hiện tốt chiến dịch phát động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách thường xuyên. Nếu thực hiện tốt chiến dịch trên thì chúng ta đã “bắn một mũi tên trúng được 2 đích” đó là vừa phòng được bệnh SXH, vừa phòng được bệnh do vi rút Zika bởi cả 2 bệnh này đều do muỗi Aedes truyền.

Với bệnh SXH, ý thức và thực hành phòng bệnh của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đây là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Để phòng chống bệnh SXH, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên; bỏ muối, dầu, hóa chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn và các ổ nước đọng. Hàng tuần, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Người dân cần thực hiện ngủ mùng và mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Đặc biệt lưu ý, người mắc bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà. 

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên