Mỹ doạ trừng phạt Ấn Độ nếu mua dầu của Iran

Cập nhật: 16-03-2012 | 00:00:00

Trong khi Hoa Kỳ cố gắng để tước đi của Tehran nguồn doanh thu hàng đầu của nước này, thì Ấn Độ vẫn tiếp tục nhập dầu của Iran.

Nhà Trắng có thể áp đặt lệnh trừng phạt Ấn Độ nếu nước này không đáp ứng nhu cầu của Mỹ cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Tổng thống Obama có thể sẽ buộc phải ngăn chặn mọi khoản thanh toán liên quan đến mua bán dầu của các ngân hàng Ấn Độ và Ngân hàng Trung ương Iran thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ.

Ấn Độ, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á đã chống lại áp lực của Mỹ về cắt giảm nhập khẩu dầu. Trước đó, Washington, tiếp theo là EU đã áp đặt trừng phạt đối với Tehran nhằm buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

  Ấn Độ là bạn hàng lớn thứ 4 của Iran Năm 2011, Ấn Độ là bạn hàng lớn thứ 4 của Iran sau Trung Quốc, EU và Nhật Bản, với 12% sản lượng dầu thô mua từ Iran, trị giá 12 tỷ USD, cho thấy nhu cầu nhập dầu thô từ Iran của Ấn Độ còn rất lớn.

"Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông này nói thêm rằng, “Các hạn chế đối với từng quốc gia sẽ tác động đến kinh tế và từ góc độ pháp lý chúng tôi thấy không có lý do gì buộc chúng tôi phải tuân thủ họ (Mỹ và EU)".

Các thông tin về việc Mỹ có thể áp đặt một lệnh trừng phạt với Ấn Độ xuất hiện sau một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra ngày 14-3 cho thấy, Ấn Độ và Hàn Quốc đang gia tăng sản lượng dầu nhập khẩu của Iran kể từ đầu năm nay.

Trước đó, Ấn Độ và Trung Quốc đề nghị Iran chuyển đổi từ đồng USD sang vàng trong thương mại song phương, kể từ khi Mỹ và EU ban hành lệnh trừng phạt đơn phương chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran và các tổ chức tài chính.

Các lệnh cấm vận của EU về dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7 tới. Điều này làm cho một số quan chức Mỹ tin rằng, Tổng thống Obama có thể bị bắt buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt với Ấn Độ sớm nhất là ngày 28/6.

Lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu mỗi năm chiếm gần 80% nhu cầu dầu của nước này. Số tiền Ấn Độ bỏ ra cho việc nhập khẩu dầu chiếm gần 1/3 lượng tiền thanh toán cho hàng nhập khẩu của nước này. Nhu cầu về dầu vẫn còn cao, khiến Ấn Độ rất khó khăn trong việc chọn lựa nhiều nhà cung cấp.

Tuy nhiên, theo nguồn thông tin công bố tháng trước cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ yếu nhất 3 năm gần đây. Sự suy thoái có thể làm cho Ấn Độ phải cắt giảm lượng dầu nhập khẩu. Hơn nữa, nền kinh tế Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng vọt. Nhưng vào lúc này kế hoạch của New Delhi đối với lượng dầu nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ phải chịu áp lực từ Washington khi liên minh kinh tế với Iran. Nước này đã buộc phải từ bỏ dự án đường ống dẫn dầu với Iran và Pakistan để vận chuyển khí đốt từ Iran. Trong năm 2010, Ấn Độ rút lui khỏi các cuộc đàm phán, thỏa thuận đã được ký kết giữa Pakistan và Iran.

Pakistan cũng phải đối mặt với áp lực của Mỹ từ dự án đường ống dẫn dài 2.700 km sẽ bắt đầu chuyển khí đốt của Iran từ năm 2014: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo thỏa thuận này đạt được có thể thúc đẩy biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Pakistan.

Điều đặc biệt nhất là pháp luật mới của Hoa Kỳ không quy định cụ thể mỗi quốc gia phải cắt giảm bao nhiêu phần trăm lượng dầu nhập từ Iran để không bị xử phạt. Nhưng với mức độ thương mại giữa Iran và Ấn Độ, đặc biệt là vấn đề dầu mỏ, New Delhi sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu sự trừng phạt của Washington.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=231
Quay lên trên