Kỳ cuối: Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Bước vào giai đoạn mới, điều mà lãnh đạo tỉnh, các cấp ngành luôn trăn trở là làm thế nào để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI, tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp (DN) FDI với khu vực DN trong nước, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (NVV) chủ động tham gia, chuyển dịch lên “nấc thang” cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kiểm tra kho hàng nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất tại Công ty TNHH Esprinta Việt Nam, KCN Sóng Thần 2, TP.Dĩ An
Bảo đảm phát triển bền vững
Trong giai đoạn hiện nay, Bình Dương là địa phương đang được đánh giá có nhiều cơ hội lớn để tham gia các chuỗi cung ứng với vị thế thuận lợi, cộng với những nguồn lực quan trong do sự nỗ lực của các cấp chính quyền. Việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ thu hút các tập đoàn lớn, công nghệ cao có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng. Từ đó thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong giai đoạn mới, tỉnh chú trọng triển khai có hiệu quả chiến lược định hướng thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, tập trung vào các hình thức thu hút đầu tư gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao và sản xuất công nghiệp hiện đại, từng bước phát triển mạnh DN trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh các mô hình kinh tế chia sẻ. Tỉnh ưu tiên thu hút các DN có kế hoạch hỗ trợ phát triển các DNNVV trong nước, phát triển chuỗi cung ứng, bảo đảm chiến lược phát triển bền vững của Bình Dương.
Bình Dương cũng tập trung đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư, từng bước gắn kết giữa phân tích và dự báo nhu cầu lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giải quyết việc làm theo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhiều chương trình đào tạo nghề từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế. Lực lượng lao động cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của DN.
Để cụ thể hóa chiến lược này, thời gian qua, các ngành chức năng đã chủ động, tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ; chủ động thúc đẩy hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng trong các khuôn khổ hợp tác với các đối tác có tiềm lực tài chính và công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực khoa học - công nghệ và sức cạnh tranh của các DN trong nước. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số kết hợp và hỗ trợ hoạt động kinh doanh dịch vụ. Việc thành lập Trung tâm Sáng kiến cộng đồng - Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh giúp phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm thông minh tại các trường đại học, cao đẳng, hình thành và phát triển các vườn ươm DN.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng thời gian qua, ngành công thương đã có sự nỗ lực, cố gắng trong công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm tăng cường xúc tiến chuyên ngành công nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với DN sản xuất đầu cuối, DN FDI đầu tư vào Bình Dương. Đồng thời, ngành cũng thường xuyên cập nhật những xu hướng thị trường, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu để các DN nắm bắt được cơ hội phát triển. Trong khu vực công nghiệp hỗ trợ, ngành chủ động phối hợp với địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ các DN tái cơ cấu, phát triển sản xuất nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, ngành cũng đã tìm ra các hướng đi để tham mưu cho tỉnh các giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn.
Giải quyết gốc rễ vấn đề
Ông Nguyễn Thanh Toàn cũng cho rằng dù đã đạt được một số kết quả nhất định song đến nay sự liên kết giữa các khu vực DN còn yếu và rời rạc, không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là bài toán ngành công thương luôn trăn trở. Tăng cường liên kết giữa các khu vực kinh tế, tạo điều kiện để DNNVV Việt Nam lớn mạnh, có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu là định hướng mà các ngành đang tích cực nghiên cứu.
Năng lực các DN trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ là một trở ngại lớn để đẩy mạnh liên kết, tham gia các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Cụ thể, do quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên đa số các DNNVV Việt Nam có trình độ công nghệ, trình độquản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế. Điều đó dẫn đến việc khó có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. DN trong nước cũng còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn, chưa thể có những bước đi đột phá.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc tham gia vào cụm liên kết ngành, vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển bảo đảm tính bền vững. Các DN FDI quy mô lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo, có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng, tự phát triển chuỗi khép kín, do đó chưa chủ động tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia. Một nguyên nhân mang yếu tố ảnh hưởng lớn là ngành ngân hàng vẫn chưa có nhiều chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ vốn vay cho DN đầu tư sản xuất, nhất là đối với các DNNVV, dẫn đến tình trạng thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất và mở rộng quy mô.
Hiện nay, ngành công thương đã và đang đề xuất phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ và cụm công nghiệp chuyên ngành, tăng cường kết nối DNNVV với chuỗi cung ứng. Kỳ vọng rằng, với sự tập trung của cộng đồng DN ở từng ngành nghề, lĩnh vực, DN đầu chuỗi sẽ giữ vai trò dẫn dắt, định hướng, tư vấn cho DNNVV tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, ngành nghề, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển.
TIỂU MY