Trong giai đoạn 2006- 2010, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Sự phát triển của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong giai đoạn này đã thể hiện sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ tỉnh trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong giai đoạn 2006-2010, tỉnh chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam làm việc với dây chuyền sản xuất dây dẫn điện xe ô tô hiện đại. Ảnh: P.V
Giai đoạn 2006-2010, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu, vì nguồn nhân lực là lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể hóa chủ trương này, trong các kỳ họp HĐND khóa VII, hàng loạt nghị quyết ra đời liên quan đến phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, giữ chân người có trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Điều đó thể hiện rõ sự quan tâm phát triển bền vững của tỉnh.
Từ chủ trương chung của tỉnh, trong giai đoạn 2006-2010, số lượng trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển nhanh về quy mô và số lượng học viên, sinh viên. Trên địa bàn tỉnh có 5 trường ĐH, 8 trường CĐ, hơn 40 trường trung cấp và cơ sở đào tạo nghề… Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã nhận thức về đào tạo nghề, cung cấp sản phẩm đầu ra của mình theo hướng phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề đã chú trọng đến việc gặp gỡ các doanh nghiệp thông qua các phiên hội chợ việc làm và sàn giao dịch việc làm nhằm tìm hiểu nhu cầu đào tạo các nghề mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu cao như: Thợ cơ khí, điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử…
Kết quả trong giai đoạn 2006-2010, hàng năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 46.500 lao động (nghị quyết đề ra là 35.000 - 40.000 lao động), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%, so với nghị quyết đề ra vượt 15%. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh luôn xem công tác phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Do vậy, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa công tác cán bộ và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Do vậy, tỉnh đã đề ra nhiều chương trình, đề án nâng cao công tác cán bộ, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đối với việc tìm kiếm nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục, tỉnh tổ chức kêu gọi lực lượng lao động khắp trong cả nước về làm việc. Tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các lãnh đạo, quản lý, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần, đồng thời trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm.
Có thể nói, trong giai đoạn 2006-2010, Bình Dương luôn coi trọng vai trò của giáo dục - đào tạo trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với việc nâng cao hàm lượng tri thức và tăng mạnh số lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, là mục tiêu quan trọng mà tỉnh đã giải quyết đồng bộ với sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn này. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục có những chủ trương, chính sách tiếp theo nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trong những năm tiếp theo.
HỒ VĂN