Tại UBND phường Uyên Hưng, TP.Tân Uyên, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (CTXH) tỉnh vừa tổ chức hội nghị kỷ niệm “Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3”. Đây là dịp để những người làm CTXH nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH; ghi nhận sự đóng góp của người làm CTXH trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”.
Các đối tượng người già neo đơn, trẻ mồ côi được Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương chăm lo tốt
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Những năm gần đây, bên cạnh trực tiếp chăm lo đầy đủ về vật chất lẫn tinh thần cho 254 đối tượng trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người lang thang cơ nhỡ, Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh còn giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng cho nhóm khó khăn, yếu thế tại các địa phương như hỗ trợ tư vấn các vấn đề xã hội qua tổng đài miễn phí 18001106, hướng dẫn phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Từ năm 2021 đến 2023, trung tâm đã tổ chức 30 lớp nâng cao năng lực cho người dân trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn tại 30 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các lớp truyền thông đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương và người dân, các đại biểu tham gia tập huấn đông đủ, tích cực; người dân được chia sẻ kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức và năng lực tự giải quyết các vấn đề khó khăn của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Với nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức HOLT Việt Nam, trung tâm đã hỗ trợ khẩn cấp cho 199 hộ gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 với số tiền 535 triệu đồng; hỗ trợ 59 trường hợp khó khăn với tổng số tiền 500 triệu đồng bao gồm hỗ trợ sinh kế mở rộng chăn nuôi, dịch vụ, trợ giúp bà mẹ độc thân, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Bà Phan Thị Phượng, ngụ khu phố 4, phường Uyên Hưng (TP.Tân Uyên), người tham gia CTXH nhiều năm tại địa phương, chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn do trung tâm tổ chức, người làm CTXH tại cơ sở được truyền đạt nhiều kiến thức về CTXH. Đó là cách tiếp cận gia đình, người cần trợ giúp cũng như cách phối hợp với cơ sở để nhanh chóng phát hiện các vụ việc. Đó có thể là trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, trẻ em bị ngược đãi, người già, người neo đơn không được ai chăm sóc, đối tượng lang thang cơ nhỡ đến địa phương... Qua đó, người làm CTXH nhanh chóng phối hợp với địa phương, trung tâm để có phương án hỗ trợ kịp thời”.
Nhờ sự làm việc tận tâm, tận tình của người làm CTXH tuyến cơ sở, nhiều gia đình đã vơi đi khó khăn khi được hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định, nhiều trẻ tật nguyền được hưởng trợ cấp hàng tháng, hay người neo đơn được đưa về trung tâm chăm sóc chu đáo. Anh Đoàn Tuấn Đời, người dân khu phố, phường Uyên Hưng, đến nay vẫn chưa quên được cái ơn của những người làm CTXH ở địa phương. Anh Đời chia sẻ: “Tôi có người cháu bị bại não bẩm sinh, gia đình cháu lại rất khó khăn. Nhờ cán bộ địa phương quan tâm, hướng dẫn làm hồ sơ nên cháu nhận được trợ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng đã 10 năm nay. Gần đây, người chăm sóc cháu còn được hỗ trợ thêm 600.000 đồng/tháng. Nếu không có những người làm CTXH quan tâm, gia đình cũng không biết cách nào để xoay xở”.
Tại hội nghị, người làm CTXH cấp cơ sở còn được TS Lê Hoàng Liễu đến từ trường Đại học Thủ Dầu Một truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động CTXH. Bên cạnh hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, người làm CTXH phải tự trang bị kiến thức, ăn nói khéo léo, có kiến thức pháp luật để khi tiếp cận, xử lý sự việc vừa hợp tình, hợp lý. TS Lê Hoàng Liễu còn truyền đạt đến những người làm CTXH những câu chuyện thực tế mang tính dự báo cao...
Chăm lo tốt trẻ mồ côi, người neo đơn
Theo Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh, hiện số đối tượng chăm lo khẩn cấp và dài hạn tại trung tâm là 254 đối tượng (bao gồm 60 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 27 đối tượng xã hội từ 16 đến 60 tuổi; 40 đối tượng người tàn tật cô đơn; 13 đối tượng tự nguyện và 114 đối tượng thuộc diện ăn xin lang thang trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú). Hàng ngày, các đối tượng được chăm lo khá tốt từ việc ăn ở, sinh hoạt, vệ sinh, được tạo không gian vui chơi, khám và điều trị bệnh.
Bộ phận cấp dưỡng trung tâm thường xuyên thay đổi món ăn hàng ngày, bảo đảm đủ dinh dưỡng, có chế độ ăn kiêng cho người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Các đối tượng được rà soát, báo cáo để cơ quan chức năng cấp mã định danh, làm giấy khai sinh, mua bảo hiểm y tế; được trang cấp đầy đủ quần áo, giày dép, xe lăn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trung tâm thường xuyên tổng vệ sinh hàng ngày nơi ăn chốn ở, cập nhật phần mềm quản lý hồ sơ đối tượng đạt 100%. Qua công tác rà soát, hàng năm trung tâm còn gửi hồ sơ đến hàng chục địa phương trên cả nước tìm thân nhân cho các đối tượng để đưa về nơi cư trú. Trong năm 2023, trung tâm đã tìm được thân nhân cho 34 đối tượng...
Chia sẻ trong Ngày CTXH Việt Nam, ông Nguyễn Bảo Thanh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh, cho biết trong những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, việc chăm lo cho các đối tượng chính sách là nhiệm vụ trong tâm và thường xuyên, luôn thực hiện tốt, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. Bên cạnh việc tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và trợ giúp cho các đối tượng xã hội tại trung tâm theo quy định, việc giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng cho nhóm khó khăn, yếu thế là hoạt động hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Qua đó, trung tâm đã triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần trợ giúp cộng đồng yếu thế giải quyết những vấn đề khó khăn, nâng cao năng lực, hướng tới sự phát triển bền vững về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
QUANG TÁM