Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030:

Nâng cao trách nhiệm, kỷ cương giải quyết thủ tục hành chính

Cập nhật: 30-09-2021 | 07:36:14

 Dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 đang được tỉnh xây dựng, góp ý và ban hành. Chương trình tổng thể CCHC tiếp tục mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có chất lượng cao, có trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 UBND tỉnh tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước tnh Bnh Dương

Lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ

Dự thảo chương trình được xây dựng căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và là nền tảng, động lực cho sự thay đổi và phát triển. Tiếp tục xây dựng đội ngũ CBCCVC có chất lượng cao, có trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Chương trình tổng thểCCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu 80% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 100% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%.

Để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, dự thảo chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu của tỉnh tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Gắn với đặc thù

Tại hội nghị góp ý được UBND tỉnh tổ chức, các đại biểu đã góp ý một số nội dung, như: Cần phân kỳ giai đoạn thực hiện trong 5 năm để cụ thể hóa các mục tiêu CCHC; xây dựng các đề án kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, nhất là đất đai, xây dựng để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC. Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng việc cải cách thể chế và tổ chức bộ máy, biên chế cần gắn với tình hình thực tế và đặc thù của Bình Dương; gắn nhiệm vụ CCHC với các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh...

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh CCHC là nhiệm vụ rất quan trọng, cần làm tốt để xây dựng hình ảnh Bình Dương phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư. Ông đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin để góp ý cho dự thảo chương trình. Sở Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo chương trình trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Trong đó, bổ sung nhóm nhiệm vụ công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng giải pháp cụ thể cho từng nhóm nội dung, chọn nội dung cốt lõi phù hợp với đặc thù và tạo điểm nhấn cho Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp xã, phường, thị trấn phải phục vụ thật tốt cho người dân, vì đây là nơi tiếp xúc gần nhất với người dân; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cấp huyện, cấp tỉnh. Giữa các cơ quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông phù hợp với Đề án Thành phố thông minh Bình Dương góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Song song đó, giám sát, đánh giá chất lượng CCHC của từng cơ quan sát với nhiệm vụ chuyên môn.

 CCHC phải được tiến hành trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các nội dung CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương theo từng giai đoạn cụ thể.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên