Để nền hành chính công hoạt động không bị gián đoạn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp, trong thời gian qua, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ trực tuyến và giải quyết hồ sơ gửi qua đường bưu điện cho người dân, tổ chức.
Cán bộ “một cửa” UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một giải quyết hồ sơ cấp bách, cần thiết cho người dân
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bộ phận “một cửa” các cấp đã dừng việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp thay bằng hình thức trực tuyến và qua đường bưu điện. Cụ thể, trong 3 tháng qua (từ 6 đến tháng 8-2021), Trung tâm phục vụ Hành chính công TP.Thủ Dầu Một đã tiếp nhận trên 8.000 hồ sơ gửi qua đường bưu điện, 457 hồ sơ gửi qua mạng internet. Hồ sơ chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, xây dựng. Số hồ sơ đã giải quyết đạt trên 80%. Ở TP.Dĩ An, TP.Thuận An đã giải quyết trên 5.000 hồ sơ gửi qua đường bưu điện và hồ sơ gửi qua trang https://dichvucong. binhduong.gov.vn.
Cái khó hiện nay là người dân, tổ chức không phải ai cũng nắm rõ quy trình thực hiện thủ tục qua mạng và qua đường bưu điện. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh truyền thông về công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, chuyển đổi số, thúc đẩy các hoạt động trực tuyến, thương mại điện tử. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương phát huy các cách làm hay, nhấn mạnh những tiện ích, hiệu quả của các ứng dụng điện tử, nhất là hạn chế việc đi lại của người dân để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, thành phố bố trí cán bộ hợp lý, một bộ phận làm tại nhà, một bộ phận làm tại cơ quan để luân phiên túc trực hợp lý giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh chóng cho người dân, tổ chức gửi qua đường bưu điện và qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, không để xảy ra tình trạng ứ đọng, ách tắc hồ sơ của công dân, tổ chức.
UBND tỉnh yêu cầu bộ phận “một cửa” các cấp thay đổi phương thức làm việc để phù hợp với tình hình thực tế. Các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện bố trí hạn chế đến mức thấp nhất số người đến cơ quan, đơn vị nhưng không để công việc bị đình trệ, bảo đảm thời hạn giải quyết công việc theo quy định; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ TTHC theo hình thức trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích và tư vấn cho người dân, tổ chức.
UBND tỉnh xác định không chỉ tập trung trước mắt công tác phòng, chống dịch Covid-19, về lâu dài, CCHC tại Bình Dương được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả, tạo “đột phá” để phục hồi nền kinh tế. Chính vì vậy, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường kiểm tra CCHC theo hướng đột xuất, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành CCHC, nhất là công tác giải quyết hồ sơ trực tuyến và qua đường bưu điện.
Đối với UBND cấp xã cần minh bạch thông tin về chính sách, pháp luật trên địa bàn, cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin về biểu mẫu, thủ tục, các bản đồ quy hoạch sử dụng đất và giá đất; mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin và phản hồi của người dân về các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc xử lý hồ sơ liên quan đến an sinh xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, đặc biệt là thái độ hạch sách, tiêu cực trong tiếp nhận, xử lý TTHC liên quan đến các vấn đề dân sinh trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, cấp huyện, cấp xã cần hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở Bình Dương, như: Triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và xử lý đồng bộ trong khâu tiếp nhận, giải quyết TTHC qua đường bưu điện trong giai đoạn hiện nay.
HỒ VĂN