- Sạm da, cháy nắng: Sạm da xuất hiện 72 giờ sau khi phơi nắng, lâu ngày sẽ tổn thương da, khiến cho da trở nên nâu nhưng sẽ nhả ra khi không còn phơi nắng. Phản ứng cháy nắng xảy ra qua nhiều giai đoạn. Sau khi tiếp xúc với ánh nắng lâu, đỏ da xuất hiện trong vài phút, phai đi và sau đó xuất hiện trở lại và kéo dài nhiều ngày. Các tia nắng làm tổn hại mạch máu gây ra phù và bóng nước và trong khoảng 1 tuần sẽ có hiện tượng tróc vảy da (lột da).
Ảnh minh họa
Khi cháy nắng, ta có thể sử dụng những miếng băng ép nước lạnh lên những vùng da bị tổn thương. Phơi nắng quá lâu và dài ngày cũng là nguyên nhân được biết đến gây lão hóa da và ung thư da. Nên lưu ý 3 điều: Cháy nắng vẫn xảy ra ngay cả trong những ngày không nắng gắt (mây không làm giảm tia cực tím) và khi dưới nước; cát phản chiếu những tia nắng từ mặt trời và làm tăng nguy cơ cháy nắng; đừng quên môi cũng bị cháy nắng. Phòng ngừa cháy nắng bằng cách: Hạn chế phơi nắng từ 10 giờ đến 14 giờ; đội nón, khẩu trang, áo quần dài tay khi ra nắng; sử dụng kem chống nắng (có chỉ số SPF từ 15 trở lên), bôi 20 - 30 phút trước khi ra nắng và thường xuyên thoa lại.
- Nấm chân: Do vi nấm. Bàn chân ẩm nóng khi mang giày kín không thay vớ thường xuyên sẽ kích thích phát triển nấm. Bệnh thường gặp ở nam giới hơn ở nữ và có 3 thể thường gặp: Tróc vẩy khô, mụn nước, viêm kẽ thường gặp ở các kẽ ngón (đặc biệt kẽ ngón 4, 5). Khi mắc bệnh có thể bị bội nhiễm, sưng tấy bàn chân, nổi hạch háng và sốt.
Nấm bẹn thường xuất hiện khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt. Nam bị nhiều hơn nữ. Ngứa nhiều hơn khi ẩm ướt. Sang thương thường ở nếp gấp hai bên đùi và là các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn. Nấm thân cũng do vi nấm và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, biểu hiện với những sang thương có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm. Ngứa nhiều khi ra nắng, ra mồ hôi.
- Lang ben: Do vi nấm gây ra và yếu tố thuận lợi gây bệnh là tăng độ ẩm ở bề mặt da, tiết chất bã nhiều, sang thương ở vùng da không phơi ra ánh sáng có màu cà phê sữa, vàng nhạt, nâu, đỏ, đen thay đổi từ nhỏ lấm tấm đến mảng lớn có bờ quanh co như bản đồ. Bình thường, lang ben ít ngứa nhưng khi chúng ta ra nắng đổ mồ hôi nhiều thì ngứa râm ran như kim châm. Điều trị lang ben hết thì dễ nhưng hết hẳn rất khó. Phòng ngừa tái phát bằng cách bôi thuốc dự phòng mỗi tháng vài ngày, quần áo giặt luộc ủi nóng.
- Chốc: Thường xảy ra ở trẻ em với thương tổn là những mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau thành mụn mủ, rồi bể và khô, đóng mài. Phòng ngừa bằng cách vệ sinh thân thể hàng ngày; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và các sinh tố cần thiết.
- Viêm nang lông: Thương tổn là những mụn mủ, sẩn hay sẩn - mụn mủ ở nang lông, chung quanh có quầng viêm đỏ xuất hiện ở các vùng có lông. Bệnh thường ngứa và hay tái phát. Phòng ngừa bắng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh chấn thương da; ăn đầy đủ rau xanh, trái cây đủ sinh tố; tránh ăn chất béo hoặc ngọt; khi mới bị trầy xước phải rửa sạch vết thương, bôi thuốc sát trùng. Nếu sau vài ngày không bớt nên đến chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách.
Những lưu ý để phòng ngừa nấm da
Để giảm nguy cơ nấm da, chúng ta phải thay đổi quần áo hàng ngày, tránh mặc đồ ẩm; lau thật khô cơ thể sau khi tắm, nếu có thể thì quạt khô vùng da nách, bẹn; thay vớ mỗi ngày và nên mang vớ có chất liệu cotton thay cho vớ len tổng hợp; mang giày dép bằng da thay cho giày dép bằng plastic, mang vừa vặn chứ không quá chật; nếu đã mắc bệnh thì không tắm giặt chung, mặc chung quần áo với người bị bệnh; ủi cả mặt trái quần áo; tránh đi chân không; rắc bột talc vào kẽ chân; diệt nấm ở giày bằng hơi formol; để phòng bệnh tái phát thì nên bôi, tắm, gội thuốc kháng nấm thêm 1 tuần khi bệnh đã khỏi.
ThS - BS CK2 NGUYỄN VĂN ÚT (Phòng chăm sóc da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM)