NASA cho biết các lỗi được khuyến nghị khắc phục chủ yếu liên quan đến phần mềm của Starliner, nguyên nhân dẫn tới vụ thử nghiệm thất bại hồi tháng 12 năm ngoái.
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing. (Nguồn: nasaspaceflight.com)
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một danh sách gồm 80 lỗi kỹ thuật mà Boeing cần khắc phục để có thể đưa tàu vũ trụ Starliner của hãng này bay trở lại cùng các phi hành gia, sau chuyến bay thử nghiệm không người lái thất bại hồi năm 2019.
Đây là danh sách cập nhật so với danh sách 61 lỗi được NASA đưa ra trước đó.
Trong thông báo ngày 7/7 sau khi kết thúc quá trình điều tra kéo dài 7 tháng, giới chức NASA cho biết các lỗi được khuyến nghị khắc phục chủ yếu liên quan đến phần mềm của Starliner, nguyên nhân dẫn tới vụ thử nghiệm thất bại hồi tháng 12 năm ngoái.
[Tàu vũ trụ của Boeing trở về Trái Đất sau khi rút ngắn hành trình]
Dự kiến, Boeing sẽ cần thêm nhiều tháng nữa mới có thể hoàn thành việc nâng cấp phần mềm.
Ngày 20/12/2019, tàu vũ trụ Starliner được phóng từ Mũi Canaveral, thuộc bang Florida của Mỹ, nhưng sau khi tách khỏi tên lửa Atlas V, tàu đã không vào được quỹ đạo dự kiến đủ cao để kết nối với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Trạm vũ trụ này ở độ cao khoảng 400km so với mực nước biển.
Sau khi tính toán tàu vũ trụ này đã đốt quá nhiều nhiên liệu đẩy chỉ trong vài phút, Boeing và NASA buộc phải cho Starliner trở về Trái Đất và không hoàn thành sứ mệnh dự kiến.
Theo quan chức phụ trách bộ phận vũ trụ của Boeing, sự cố trên là do đặt sai giờ đồng hồ.
Sự cố trên xảy ra trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về an toàn trong lĩnh vực máy bay thương mại.
Dự kiến, Boeing sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái thứ 2 của tàu Starliner trong năm nay, trước khi bay có người lái vào mùa Xuân 2021./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)