NATO mở rộng và câu chuyện của Thổ Nhĩ Kỳ

Cập nhật: 30-05-2022 | 11:07:52

Để Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tất cả 30 thành viên hiện tại phải nhất trí theo nguyên tắc đồng thuận của toàn bộ các thành viên. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO từ năm 1952, đã tuyên bố không chấp nhận đơn của hai quốc gia này.

Ngày 16-5 Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định không muốn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO với lý do hai nước này dung túng và chứa chấp “khủng bố” là những phần tử thuộc đảng Lao động Kurdistan (PKK).

Đến ngày 22-4, ông Erdogan lại cam kết sớm triển khai hoạt động quân sự nhằm mở rộng các khu vực an toàn vốn đã được thiết lập trên khắp biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Lời tuyên bố của ông khiến mâu thuẫn giữa ông với các đối tác NATO về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh này càng thêm gay gắt. Tuy nhiên, ẩn sau đó là những toan tính.

“Điều kiện trao đổi”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RFI mới đây, nhà nghiên cứu Élise Massicard thuộc trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, nhìn từ quan điểm của phe dân tộc chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ, “nếu như PKK vẫn tồn tại được đến nay, bất chấp cuộc chiến kéo dài hơn 40 năm với những phương tiện lớn được huy động thì đó là do đảng này có những hậu cứ bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ”.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vì vậy, chính quyền Ankara dường như muốn tận dụng cơ hội hiếm hoi này để đòi “Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt ủng hộ các tổ chức khủng bố”, dẫn độ 33 cá nhân bị Ankara coi là “khủng bố”, mặc dù Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu từng khẳng định đó không phải là “điều kiện đổi chác” mà là vì “an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 3 cuộc tấn công vào miền Bắc Syria kể từ năm 2016, chiếm giữ hàng trăm km đất liền và lấn sâu khoảng 30 km vào đất nước này trong các chiến dịch chủ yếu nhắm vào Đơn vị bảo vệ dân quân người Kurd (YPG) ở Syria do Mỹ hậu thuẫn. Nước này cũng tăng cường các hoạt động quân sự chống lại các chiến binh PKK ở miền Bắc Iraq trong những năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ coi cả 2 nhóm trên như một thực thể khủng bố duy nhất, trong khi các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ coi PKK là một nhóm khủng bố, không phải YPG.

Khôi phục ảnh hưởng trong NATO

Mục tiêu thứ hai của Ankara là muốn tìm lại ảnh hưởng trong NATO và “tránh bị gạt ra bên lề” do quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên phức tạp trong những năm gần đây. Chính quyền Tổng thống Erdogan luôn có những quyết định đi ngược với lợi ích chung của khối: mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tấn công lực lượng PKK tại Syria, ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia ở vùng Nagorny Karabakh.

Chỉ riêng việc mua hệ thống S-400 của Nga khiến Ankara bị các nước châu Âu trừng phạt, bị Mỹ loại khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Do đó, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là điều kiện thứ ba được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để NATO có thể kết nạp hai nước Bắc Âu.

Asli Aydintasbas - thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu có trụ sở tại Istanbul, cũng cho rằng động thái của ông Erdogan là nhằm thử thách các đồng minh NATO. Bà nói: “Cách Tổng thống Erdogan xử lý các thách thức quốc tế đang giúp ông nâng cao vị thế và khiến các đồng minh NATO bối rối. Điều này trong quá khứ từng phát huy tác dụng ở phía Đông Địa Trung Hải và ở Syria".

Mục tiêu đối nội

Ngoài ra, theo nhận định của giới phân tích, thông báo của ông Erdogan cũng nhằm củng cố sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với giai đoạn cầm quyền kéo dài 2 thập kỷ của ông khi ông chuẩn bị cho các cuộc bầu cử khó khăn vào năm tới. Các hoạt động quân sự xuyên biên giới đã giúp nâng cao uy tín của ông trong những cuộc thăm dò dư luận trước đây.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2023. Bà Asli Aydintasbas cho biết Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tổ chức các hoạt động xuyên biên giới trước thềm bầu cử. Tuy nhiên, việc tổ chức một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn cũng mang lại nhiều rủi ro.

Theo bà, mặc dù các bên hòa giải, bao gồm cả Mỹ, đã tìm cách xoa dịu căng thẳng trong những năm gần đây, song "mấu chốt của vấn đề - mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-PKK - vẫn chưa được giải quyết". Các nhà phân tích cho rằng ông Erdogan hy vọng sẽ tận dụng vấn đề Thụy Điển và Phần Lan xin gia nhập NATO làm cơ hội để đạt được mục tiêu lâu nay của ông là tạo ra một vùng đệm không có các tay súng người Kurd dọc toàn bộ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Động thái này diễn ra khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ đối với ông và đảng AKP cầm quyền của ông đang suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Cuối cùng, việc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định “sẽ không nhân nhượng” với quyết định phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO còn được nhiều nhà phân tích cho là thông điệp gián tiếp gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Ankara muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và Ukraine vì kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc chặt chẽ vào cả hai nước này. Thực vậy, theo nhận định của chuyên gia địa-chính trị Olivier Kempf, được trang “France 24” trích dẫn, “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chia sẻ Biển Đen và có chung lợi ích ở Syria, Tổng thống Erdogan ủng hộ Ukraine nhưng thận trọng để không đi quá xa”. Nhờ lợi thế đó, Ankara đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc họp giữa Nga và Ukraine để tìm giải pháp cho cuộc chiến.

Câu hỏi đặt ra là liệu Ankara duy trì được những tính toán này đến khi nào? Chuyên gia Olivier Kempf cho rằng “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu sức ép chính trị rất lớn khiến nước này không thể cản trở việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển”. Liệu NATO có thuyết phục hai nước ứng viên Thụy Điển và Phần Lan nhân nhượng một số yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Vì theo phát biểu của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, NATO “sẽ tìm ra được một tiếng nói chung, một tiến trình về cách thúc đẩy hồ sơ gia nhập” của hai nước Bắc Âu.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1523
Quay lên trên