Ngân hàng Chính sách Xã hội Bình Dương: Tích cực hỗ trợ người nghèo

Cập nhật: 16-05-2013 | 00:00:00

Thời gian qua, mặc dù hạn mức tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định là không nhiều, trong đó cho vay hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tối đa 30 triệu đồng; học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn 10 triệu đồng/năm, nhưng hiệu quả của đồng vốn đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo (XĐGN) lại không hề nhỏ.

NHCSXH là một tổ chức tín dụng đặc thù trong hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc XĐGN, bảo đảm an sinh xã hội. Vì lẽ đó, những năm qua hệ thống NHCSXH đã tập trung nguồn lực tạo bước tiến trong công tác giảm nghèo, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp XĐGN.

  

Nhân viên tín dụng NHCSXH tỉnh giải ngân vốn vay cho bà con ở xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một

Để thực hiện được điều đó, NHCSXH đã thực hiện một phương pháp quản lý phù hợp, đó là thông qua hình thức ủy thác từng phần, ủy thác một số công đoạn trong quá trình cho các tổ chức chính trị - xã hội, như: Hội Nông dân (HND), Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… thực hiện bình xét, danh sách hộ nghèo vay vốn được niêm yết rõ ràng, hướng dẫn người vay sử dụng vốn tại tổ tiết kiệm và vay vốn và giao dịch trực tiếp với nhân viên ngân hàng tại các điểm giao dịch ở xã hoặc điểm giao dịch lưu động vào ngày cố định trong tháng nhằm giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho người dân. Với cách làm này, NHCSXH đã trở thành người bạn tin cậy của người nghèo, từng bước giúp nhiều hộ vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Một, ấp 7, xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, với số tiền 10 triệu đồng được vay lần đầu để mua bán nhỏ, sau 2 năm trả hết nợ, cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định. Lần thứ hai khi được duyệt vay 15 triệu đồng, chị chủ động bổ sung thêm 15 triệu đồng vốn dành dụm được từ buôn bán để đầu tư chăn nuôi bò. Theo chị, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH mà chị tránh được chuyện vay mượn nặng lãi, tạo đòn bẩy cho gia đình chị thoát nghèo, tiếp thêm nghị lực để gia đình chị cố gắng vươn lên.

Cũng nhờ tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi mà không ít gia đình trên địa bàn tỉnh không còn cảnh chạy tiền đóng học phí cho con như trước. Bà Trần Thị Thanh Thủy, ngụ ấp An Quới, xã An Sơn, TX.Thuận An, cho biết nhà nghèo nên việc học hành của 2 con bà gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi các con bước vào lớp 12 và đại học. Được xã An Sơn nhiệt tình hướng dẫn và sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH TX.Thuận An, gia đình bà đã được vay số tiền 48,6 triệu đồng và lần duyệt vay tới đây sẽ tiếp tục nhận được số tiền 10 triệu đồng để lo cho các con tiếp tục học đến khi tốt nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết: “Trước đây, vấn đề XĐGN cho hội viên HND và nhân dân trên địa bàn luôn gặp khó khăn do thiếu vốn để hỗ trợ sản xuất. Từ khi Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Giáo ra đời thì vấn đề vốn ưu đãi đã được giải quyết. Nhờ có sự hỗ trợ của ngân hàng, nguồn vốn hội nhận ủy thác phục vụ sản xuất - kinh doanh không những ngày một tăng, mà còn bổ sung thêm 3 nguồn vay chương trình khác như cho vay đối với các hộ không thuộc diện hộ nghèo để phát triển sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, cho vay phục vụ học tập, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… với mục đích là nâng cao chất lượng môi trường sống và tạo điều kiện thêm cho con em trên địa bàn có điều kiện để đến trường”.

Trong 10 năm, hoạt động tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả hết sức to lớn trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Giám đốc NHCSXH Bình Dương Phạm Quang Hưng, cho biết từ năm 2003 đến năm 2012, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho gần 190.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số vốn cho vay hơn 1.800 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng đã giúp cho gần 48.000 hộ nghèo có sự cải thiện về cuộc sống, qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức cũng như cách thức làm ăn và ổn định việc làm, từng bước nâng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Về phương hướng nhiệm vụ đến năm 2020, ngân hàng phấn đấu 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn do ngân hàng cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%, thực hiện cơ chế khoán tài chính đến các phòng giao dịch để nâng cao trách nhiệm và tính chủ động trong chỉ đạo điều hành hoạt động tài chính. “Để thực hiện những mục tiêu trên, NHCSXH tỉnh và đội ngũ cán bộ nhân viên sẽ cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cụ thể là nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng thông qua việc củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả giữa hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…”, ông Phạm Quang Hưng khẳng định.

 

 Tính đến nay, NHCSXH đã thực hiện cho vay 11 chương trình, trong đó có chương trình cho vay HSSV với 30.795 HSSV được vay vốn học tập. Mức vay bình quân một hộ tăng từ 2,1 triệu đồng năm 2003 lên 15 triệu đồng/hộ hiện nay. Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 1.529 tổ tiết kiệm và vay vốn; 88/91 xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch lưu động, chất lượng tín dụng của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ năm 2003 là 2,1% giảm xuống còn 0,35% năm 2012.

 

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=336
Quay lên trên