Ngân hàng tăng tốc cho vay, thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật: 25-12-2023 | 08:49:09

Tính đến hết tháng 10-2023, dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn tỉnh chỉ đạt 309.000 tỷ đồng, tăng 8,08% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu 14%, điều này phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) đang rất hạn chế. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tung ra các gói vay ưu đãi nhằm tăng tốc tín dụng giai đoạn cuối năm.

 Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho khách hàng vay với nhiều ưu đãi

 Nhiều gói ưu đãi

Sản phẩm cho vay vào khối DN, bao gồm DN vừa và nhỏ (SMEs), DN lớn (LC), DN nước ngoài (FDI) đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh trở lại trong thời gian gần đây với nhiều ưu đãi. Eximbank - Chi nhánh Bình Dương, đang đồng hành cùng DN với 3 chương trình, gồm “Tiếp bước thành công”; “Tài trợ DN xuất nhập khẩu” và “lãi suất cho vay cạnh tranh dành cho khách hàng DN mới”. Quy mô tín dụng dành cho các chương trình 14.000 tỷ đồng và 120 triệu USD. Khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn (6 tháng) phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, được lựa chọn một trong các gói lãi suất vay thấp nhất từ 7-8%/năm đối với VND; lãi suất vay ngoại tệ (USD) từ 4,4-4,6%/năm…

Ngân hàng Quân Đội (MB) - Chi nhánh Nam Bình Dương cũng đang đẩy mạnh chương trình ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn từ 5%/năm, áp dụng cho các DN có doanh thu từ 500 tỷ đồng trở lên. Với DN có quy mô vừa, áp dụng lãi suất vay từ 5,5%/ năm; cho vay trung dài hạn, cố định lãi suất vay năm đầu 7,5%/năm, kỳ sau lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2 %. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh KCN Sóng Thần ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, đang có rất nhiều chương trình cho vay DN. Trong đó, cho vay trung dài hạn đầu tư các ngành nghề liên quan đến khí đốt, vận tải kho bãi, đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… với gói vay vốn tối thiểu 50 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi cố định năm đầu tiên từ 7,3-8%/năm, năm thứ hai từ 7,8-8,5%/năm.

Ngoài ra, khách hàng VIP theo phân loại của Agribank được ưu đãi áp dụng lãi suất ngắn hạn, hấp dẫn hơn từ 0,5-1%/năm so với lãi suất vay thông thường. Cho vay trung dài hạn đầu tư mới, lãi suất cố định từ 6-12 tháng, lãi suất từ 7,7-9%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm 3-4%/năm so với đầu năm 2023, thậm chí có ngân hàng giảm đến 5%/năm. Vì vậy, kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng nhanh hơn.

Thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù Ngân hàng Nhà nước điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các NHTM cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng…

Ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Eximbank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết ưu đãi của Eximbank sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh. Eximbank cũng dành riêng chương trình đặc biệt đối với nhóm DN chế biến gỗ, dệt may, giày da là các ngành thế mạnh của tỉnh, góp phần phục hồi kinh tế.

Đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Nguyễn Tuân, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Nam Bình Dương, cho hay ngân hàng “thích cho vay” bởi không cho vay được là “thất nghiệp”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó.

Lãnh đạo các NHTM đều cho rằng để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các DN để nâng cao khả năng hấp thụ vốn. Do đó, để khơi thông mạch tín dụng, các ngân hàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản, kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư…

Với hàng loạt giải pháp được hỗ trợ đang được các NHTM triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng, kỳ vọng tín dụng ngân hàng sẽ khởi sắc hơn.

 “Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, đặc biệt là DN lớn có sức lan tỏa, tạo nhiều việc làm… Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ cỗ máy kinh tế hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra”, ông Đào Mạnh Hà, Giám đốc MB - Chi nhánh Nam Bình Dương nói.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên