Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng rất bức xúc trước tình trạng khai thác đất trái phép của ông Hồ Văn Thông (ngụ Tây Ninh).
Theo hướng dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu đất trồng cao su đang cho thu hoạch tại ấp Núi Đất, xã Định Thành. Đây là khu vực tương đối bằng phẳng, tiếp giáp với đường nhựa khá rộng. Phía trước khu đất được rào kín bằng lưới sắt và kèm theo cảnh báo “không phận sự cấm vào”. Nếu chỉ nhìn thoáng qua từ ngoài vào thì có lẽ ai cũng nghĩ rằng đây chỉ là một lô cao su đang cho thu hoạch như những khu đất trồng cao su khác. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì mọi người sẽ thấy trên mặt đường nhựa có rất nhiều đất rơi vãi, nhầy nhụa…
Nhiều khối đất đã “bốc hơi”
Chúng tôi quyết định đi theo con đường vòng để vào phía trong khu đất. Rừng cao su vào mùa mưa nên rất vắng lặng. Để xe ở phía ngoài, chúng tôi đi bộ men theo hàng cao su khoảng 200m thì tận mắt nhìn thấy một “đại công trường” đang được thi công dang dở. Theo quan sát của chúng tôi, trên 10.000m2 đất tại đây đã được đào bới với độ sâu từ 3 - 4m để lấy đất, tạo ra những hầm hố có độ dốc nguy hiểm. Trên “công trường” này vẫn còn hiện diện mấy chiếc xe cuốc và nhiều đống đất đã được đào lên.
Tại khu vực này có rất ít người dân sinh sống. Chúng tôi tìm đến một hộ dân gần khu đất đang được khai thác để tìm hiểu thêm. Khi tiếp xúc, một người đàn ông trung niên tỏ vẻ lo lắng không dám nói tên vì sợ bị trù dập. Người này chỉ cho biết đây là hầm đất của ông Thông ở Tây Ninh. “Ông ấy mua lại đất trồng cao su của người dân, sau đó tiến hành khai thác đất trong thời gian qua. Tuy nhiên, không biết vì sao gần một tháng nay ông ấy không cho múc đất nữa?”, người đàn ông này nói.
Hầm đất rộng lớn tại xã Định Thành đang được ông Thông khai thác không phép Ảnh: NHÂN QUANG
Một người dân khác (đề nghị giấu tên) sinh sống ở ấp Núi Đất cho biết tại khu vực này, không chỉ có một hầm đất mà có nhiều hầm đất đang được một người tên Thông khai thác rồi chở qua Tây Ninh bán lại. Việc khai thác đất trước đây rất rầm rộ, hàng ngày có cả trăm lượt xe ben chở đất chạy qua lại. Người dân tại địa phương rất bức xúc vì việc khai thác đất không chỉ tạo những hầm hố nguy hiểm, mà còn có khả năng gây sạt lở cho những khu đất kế bên.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Đinh Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Định Thành cho biết, liên quan đến việc khai thác khoáng sản trên địa bàn thuộc thẩm quyền trả lời của Chủ tịch UBND xã. Chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Toàn Sang, Chủ tịch UBND xã Định Thành thì được ông này cho biết buổi chiều (thứ năm ngày 8-6-2017 - P.V) ông không có lịch làm việc nên không vào cơ quan. Khi nghe chúng tôi trình bày về nội dung vụ việc muốn trao đổi và vì đường xa nên mong ông sắp xếp để gặp nhưng ông này nhất quyết từ chối. Sau đó, ông Sang liên hệ lại với phóng viên cho biết sẽ giao cho cán bộ địa chính cung cấp tài liệu liên quan đến việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Định Thành vào một ngày khác.
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Việc một số người lợi dụng xin cải tạo mặt bằng, sau đó tiến hành khai thác đất để bán đã tạo ra nhiều hệ lụy tại một số địa phương trong tỉnh thời gian qua. Rất nhiều khu đất được người chủ xin cải tạo mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, trồng cây... nhưng sau nhiều năm không thấy nhà xưởng, cây cối đâu, mà chỉ thấy trơ lại những hầm, hố rất nguy hiểm.
Để siết chặt tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/2015 quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh. Quyết định này quy định rất chặt chẽ về các trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép khai thác đất khi san lấp, cải tạo mặt bằng. Theo quy định tại điều 8 của quyết định này thì thẩm quyền cấp giấy phép khai thác đất san lấp trong công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình thuộc UBND tỉnh. Trước đó, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn phải vào cuộc để xác minh, thẩm định tính hợp pháp, khả thi trước khi trình UBND tỉnh xem xét ký giấy phép. Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng vì sao việc khai thác đất trong khi chưa có giấy phép trên địa bàn xã Định Thành vẫn ngang nhiên xảy ra?
Phía ngoài khu đất được rào kín, kèm cảnh báo “Không phận sự cấm vào” Ảnh: NHÂN QUANG
Trả lời phóng viên Báo Bình Dương về vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Dầu Tiếng, cho biết trên địa bàn xã Định Thành có trường hợp khai thác đất khi chưa có phép. Người tiến hành khai thác là ông Hồ Văn Thông, ngụ tỉnh Tây Ninh. Sau khi phát hiện việc khai thác đất khi chưa có giấy phép của ông Thông, các cơ quan chức năng của huyện đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và buộc ông Thông dừng ngay việc khai thác đất.
Theo ông Nhân, khu đất của ông Thông khai thác trái phép đã được UBND huyện đồng ý về chủ trương là được cải tạo mặt bằng. Hồ sơ cũng đã được ông Thông chuyển lên Sở TN-MT. Tuy nhiên, khi chưa có giấy phép thì ông Thông đã tiến hành khai thác. Hiện tại, theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Phòng TN-MT đang làm văn bản để báo cáo vụ việc và đề xuất hướng xử lý.
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm nếu không báo cáo kịp thời
Điểm d, Khoản 5, Điều 17 Quyết định số 06/2015 của UBND tỉnh quy định về việc quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng nêu rõ: Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép mà không xử lý hoặc không báo cáo kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện đó phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh…
Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao chưa có phép mà để hộ gia đình khai thác đất với số lượng lớn như vậy, ông Nhân cho rằng có lẽ do chính quyền địa phương quản lý còn lỏng lẻo, thiếu sự giám sát… Hiện người dân xã Định Thành đang chờ hướng xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.
NHÂN QUANG