Ngành dệt may: Không chủ quan với các hiệp định

Cập nhật: 05-08-2019 | 08:11:44

 Ngành dệt may trong nước có nhiều thuận lợi để gia tăng xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Tuy nhiên, để trở thành quốc gia chủ lực xuất khẩu mặt hàng dệt may vào các nước CPTPP, Liên minh châu Âu (EU), các doanh nghiệp (DN) dệt may cần có chiến lược cụ thể nhằm đáp ứng các quy tắc về xuất xứ, kỹ thuật… các đối tác đặt ra.

 Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đạt 1 tỷ 387 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng hết quý III-2019, thậm chí cả năm 2019.

Theo Sở Công thương, ngành dệt may xuất khẩu của tỉnh đã và đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang dần hoàn chỉnh nhờ dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Đặc biệt, CPTPP, EVFTA cũng mở ra những ưu đãi cho ngành dệt may, đã và đang tạo ra sức hút lớn về đơn hàng cho cả ngành dệt may và da giày trong nước.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty Prymacy, Khu công nghiệp Mỹ Phước I. Ảnh: MY PHAN

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các DN thành viên trong năm 2019 tiếp tục tăng trưởng (tăng 5 - 10%) nhưng không cao bằng mức tăng của năm trước, lý do là giá đơn hàng thấp, chi phí nhân công lao động, nguyên phụ liệu ngày càng tăng, trong khi ngành tài chính toàn cầu còn nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu chính của các DN dệt may vẫn là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói trong những tháng đầu năm mặc dù xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng nhưng chưa được như kỳ vọng, cụ thể kế hoạch năm tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may là 40 tỷ USD nhưng trong 6 tháng đầu năm mới thực hiện được 17,97 tỷ USD. Để cán đích mục tiêu của năm 2019, từ nay đến cuối năm toàn ngành cần đạt tăng trưởng xuất khẩu 11 - 12% so với cùng kỳ năm trước.

 Hiệp hội Dệt may cần làm tốt hơn vai trò cầu nối

Theo Sở Công thương, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, các DN dệt may phải đầu tư áp dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời giải quyết kịp thời những khâu yếu, bất cập của ngành. Bên cạnh đó, các DN dệt may cần xây dựng nền tảng liên kết chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt, chú ý sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, từ đó đưa nhiều sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng Hiệp hội Dệt may Bình Dương cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa DN hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế… cùng với đó đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao; có chính sách chăm sóc tốt để tạo sự gắn kết lâu dài của người lao động với doanh nghiệp...

Giải pháp quan trọng nữa là DN dệt may tự giác nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Theo đó, DN có thể áp dụng các biện pháp như cắt giảm chi phí đầu vào với tối ưu hóa, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý chuẩn theo thực trạng của DN. Chỉ khi quản lý sản xuất, quản lý con người chuẩn chỉ theo tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, không để lãng phí bất kỳ nguồn lực nào thì các DN mới có thể tồn tại được trong thị trường đầy biến động như hiện nay.  

 Bên cạnh đó, các bài toán về chi phí, thị trường, đầu tư DN cần tính toán kỹ lưỡng, đo lường các kịch bản thị trường có thể xảy ra và cần có phương án cụ thể đối với từng kịch bản thị trường, tránh lúng túng hoặc đưa ra giải pháp đối phó vội vàng…

Lãnh đạo ngành công thương cho biết đang kỳ vọng EVFTA mang tới các cơ hội tốt cho các DN dệt may bởi quy tắc xuất xứ để dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi trong EVFTA, quy tắc dễ này đáp ứng hơn so với CPTPP. “Theo đánh giá, EU không phải là thị trường dễ tiếp cận vì có nhiều nước thành viên, đơn hàng có số lượng tương đối nhỏ nếu so với đơn hàng từ Mỹ, thời gian thay đổi mẫu mã tương đối dày, khách hàng lại khá kỹ và khó trong các khâu quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm. Tuy nhiên, EU lại có lợi thế là đơn giá nhập khẩu trung bình khá tốt. Do đó, tôi tin tưởng trong tương lai với lợi thế từ việc cắt giảm thuế, các DN Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong xúc tiến, khai thác thị trường này”, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, nói.

 MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=386
Quay lên trên